TP HCMTrước việc bà Trương Mỹ Lan và các luật sư cho rằng “sai phạm vì muốn cứu SCB”, đại diện VKS lập luận “cứu SCB chính là cứu Trương Mỹ Lan và gia đình bị cáo”.
Chiều 10/10, sau gần một tuần tranh luận, đại diện VKS phát biểu quan điểm đối đáp lại phần bào chữa của bà Trương Mỹ Lan, 68 tuổi cùng các đồng phạm, luật sư liên quan đến những sai phạm trong giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa. Ảnh: Thanh Tùng
Bà Trương Mỹ Lan sử dụng tiền chiếm đoạt
Trước khi nêu quan điểm, đại diện VKS nhắc lại việc bà Lan và các luật sư trong phần bào chữa đã đề nghị HĐXX xem xét về việc không sử dụng tiền của SCB, không có ý thức chiếm đoạt.
Theo VKS, các tài liệu, chứng cứ, kết quả xét hỏi công khai cho thấy có cơ sở xác định những công ty thuộc Vạn Thịnh Phát đã dùng tiền của SCB để trả nợ các khoản vay tại SCB, hoặc sử dụng theo chỉ định của Trương Mỹ Lan.
Bà Lan với vai trò là Chủ tịch HĐQT chiếm hơn 60% cổ phần của tập đoàn và các công ty liên quan. Tại SCB bà Lan cũng chiếm trên 90% cổ phần và có quyền chi phối toàn bộ hoạt động. Từ cơ sở này, VKS mượn lời của các luật sư trước đó đã trình bày “bà Lan muốn cứu SCB” để lập luận: “Cứu SCB là cứu Trương Mỹ Lan và gia đình bị cáo”.
Bà Lan là người đưa ra chủ trương, chỉ đạo phát hành trái phiếu, những người còn lại làm việc theo từng giai đoạn và theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Vạn Thịnh Phát. “Các bị cáo khác đều khai làm việc theo chỉ đạo của bà chủ, mà bà chủ ở đây là Trương Mỹ Lan”, đại diện VKS nói.
Trong đó, tài xế Bùi Văn Dũng theo chỉ đạo của bà Lan đã nhận tiền từ Trần Thị Thúy Ái (thủ quỹ) tại SCB, sau đó chở tiền về nhà cho Lan hoặc chở tiền đi trả nợ cho các cá nhân theo chỉ định của bà này. Số tiền mà bị cáo Dũng chở từ SCB thông qua Trần Thúy Ái có nguồn gốc trái phiếu An Đông và Setra. Bị cáo Dũng cũng đã khai tại tòa, việc chở tiền đi trả nợ cho các cá nhân đều thực hiện theo chỉ đạo của bà Lan.
VKS xâu chuỗi lại các vấn đề, cho rằng có căn cứ xác định bà Lan đã sử sụng nguồn tiền trái phiếu, tham ô tài sản. Đồng thời, bị cáo chỉ đạo những người khác nộp rút chứng từ khống, sử dụng tiền phát hành trái phiếu trái mục đích, sử dụng nguồn tiền gói trái phiếu sau trả lãi số tiền phát hành trái phiếu trước. Trong đó phát hành trái phiếu của Công ty Setra để trả lãi cho trái phiếu Công ty An Đông.
“Qua đó thể hiện khả năng mất thanh toán của các công ty phát hành trái phiếu. Thể hiện khả năng mất thanh toán của các gói trái phiếu và ý thức chiếm đoạt của bị cáo Lan khi đề ra chủ trương”, đại diện VKS phân tích.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa. Ảnh: Trần Quỳnh
Đại diện VKS nói thêm rằng, trong vụ án này đã xem xét, ghi nhận rất nhiều tình tiết giảm nhẹ, thái độ chuyển biến của bị cáo Lan, ý thức khắc phục hậu quả… Tuy nhiên, xét tính chất, mức độ của vụ án, VKS thấy vẫn cần thiết áp dụng khung hình phạt cao nhất (tù chung thân) đối với bị cáo.
Ghi nhận việc bà Lan đã tích cực hợp tác để lên phương án khắc phục hậu quả, song VKS đánh giá “đây chỉ là phương án và chưa thực tế”, cần có kết quả để ghi nhận mức độ cao hơn.
Giảm mức án đề nghị cho 3 bị cáo
Theo VKS, mặc dù xác định bị cáo Lan là người chịu trách nhiệm chính trong hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, song sau phần luận tội vẫn có thêm 3 bị cáo là Phan Chí Luân, Trần Thị Thúy Ái, Trương Thị Kim Lài (cựu nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB) đã nộp thêm 10-20 triệu đồng khắc phục hậu quả.
“Đây là số tiền nhỏ và không đáng kể so với hậu quả, tính chất nghiêm trọng của vụ án. Nhưng các bị cáo thể hiện tinh thần có trách nhiệm với hậu quả mình gây ra trong khi hoàn cảnh đang rất khó khăn”, đại diện VKS đánh giá, đề nghị giảm một năm tù so với mức đề nghị trước đó.
Ngoài ra, VKS ghi nhận thêm tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo Ngô Thanh Nhã (em dâu bà Lan), Nguyễn Hữu Hiệu (phó tổng giám đốc Công ty An Đông); Kwork Hakman Oliver, Lý Quốc Trung (phó tổng giám đốc, kiểm toán viên Công ty kiểm toán A&C) là “có nhiều thành tích, đóng góp cho xã hội” và đề nghị HĐXX giảm nhẹ thêm cho họ khi lượng hình.
Đối với quan điểm bào chữa của các bị cáo và luật sư khác, VKS không chấp nhận, giữ nguyên quan điểm truy tố.
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục với phần bà Lan và các bị cáo nói lời sau cùng, trước khi HĐXX nghị án.
Trong phạm vi vụ án đang xét xử, bà Lan và đồng phạm bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt 30.000 tỷ đồng của 35.824 trái chủ thông qua hình thức phát hành trái phiếu; rửa tiền 445.768 tỷ đồng và vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD qua biên giới.
Bà Lan bị VKS đề nghị tuyên phạt mức án chung thân cho cả 3 tội danh, buộc bồi thường toàn bộ thiệt hại vụ án; tiếp tục kê biên các bất động sản, tài sản có liên quan bị cáo để khắc phục hậu quả.
Hải Duyên