Sẽ ghi nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của chủ hộ kinh doanh đã tham gia trước ngày 01/7/2025?
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hiện đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết về ghi nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của chủ hộ kinh doanh đã tham gia trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực thi hành (trước ngày 01/7/2025). Theo nội dung Dự thảo, vòng 1, 2 và 3 được ghi nhận, chủ hộ kinh doanh đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trước ngày 01/7/2025 để làm căn cứ giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Khi áp dụng Nghị quyết này, chủ hộ kinh doanh đã đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội trước ngày Nghị quyết này ban hành sẽ được giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội kể từ ngày đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định. Chủ hộ kinh doanh đã được cơ quan bảo hiểm xã hội hoàn trả số tiền đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trước đây, nếu có nguyện vọng bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội trước đó thì nộp lại số tiền đã được hoàn trả vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Từ ngày 01/7/2025, người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được hưởng những chế độ gì?
Theo Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được hưởng các chế độ sau:
- Ốm đau
- Thai sản
- Hưu trí
- Tử tuất
- Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động
Các chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024?
Theo Điều 6 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, các chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội bao gồm:
- Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng bao gồm trợ cấp hưu trí xã hội, bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm hưu trí bổ sung để hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội.
- Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội; có chính sách hỗ trợ về tín dụng cho người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà bị mất việc làm.
- Ngân sách nhà nước bảo đảm các chế độ của trợ cấp hưu trí xã hội và một số chế độ khác theo quy định của Luật này.
- Bảo hộ, bảo toàn và tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội.
- Hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
- Khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế – xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
- Hoàn thiện pháp luật và chính sách về bảo hiểm xã hội; phát triển hệ thống tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch và hiệu quả; ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, giao dịch điện tử và yêu cầu quản lý về bảo hiểm xã hội.
- Khuyến khích tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung.