Báo động “đỏ” về ý thức người điều khiển xe máy

Báo động “đỏ” về ý thức người điều khiển xe máy

vi-pham.jpgCảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) lập biên bản người điều khiển xe máy vi phạm quy định Luật Giao thông đường bộ tại quận Thanh Xuân.

Vi phạm phổ biến

Luật Giao thông đường bộ quy định, người điều khiển phương tiện phải chấp hành tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường…, song ngay tại những nút giao thông lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội, hiện tượng vượt đèn đỏ, rẽ sai quy định, đi ngược chiều… vẫn diễn ra.

Đơn cử như tại ngã ba đường Tố Hữu giao với cầu Mộ Lao (quận Hà Đông), dù đã có biển cấm xe rẽ trái từ đường Tố Hữu sang đường Vũ Trọng Khánh, nhưng hằng ngày, đặc biệt là vào các giờ cao điểm vẫn có hàng đoàn người đi xe máy vẫn cố tình rẽ, khiến các dòng phương tiện tại đây liên tục bị xung đột. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở nhiều nút giao khác như: Ngã Tư Sở; Ô Chợ Dừa; Nguyễn Xiển – Giải Phóng – Ngọc Hồi; Khuất Duy Tiến – Nguyễn Xiển – Nguyễn Trãi…

Lấn làn đường cũng là một dạng vi phạm điển hình, mạnh ai nấy đi, vạch kẻ đường không phát huy được tác dụng. Nhiều lúc, nhiều nơi, người đi xe máy đứng chắn ngay đầu xe ô tô để chiếm đường của phương tiện đi làn ngược lại. Ở các điểm giao cắt, người đi xe máy sẵn sàng vượt đèn đỏ khi chỉ còn vài giây… Còn tại tuyến đường Vành đai 2, Vành đai 3 trên cao dù đã cấm hoàn toàn xe máy hay Đại lộ Thăng Long được đi xe máy trong những tình huống cụ thể khi được sự cho phép của cơ quan chức năng, nhưng vẫn nhiều người vi phạm. Trong khi đó, tại khu vực ngoại thành, lỗi không đội mũ bảo hiểm diễn ra phổ biến…

Với thực trạng trên, việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn trong giờ cao điểm. Ông Nguyễn Mạnh Trung, tổ viên tổ tự quản phường Khâm Thiên (quận Đống Đa), hỗ trợ điều khiển giao thông ở ngõ chợ Khâm Thiên chia sẻ, vào giờ cao điểm, thành viên tổ tự quản căng mình điều khiển dòng phương tiện lưu thông sao cho hợp lý, nhịp nhàng, nhưng vẫn có người không chấp hành. Thậm chí, nhiều người khi bị yêu cầu đi đúng chiều đường còn khó chịu, to tiếng với thành viên tổ tự quản.

Bị lực lượng chức năng xử lý lỗi vượt đèn đỏ tại ngã tư Khuất Duy Tiến – Lê Văn Lương, ông Vương Đình Thu (huyện Gia Lâm) cho biết: “Thấy cả dòng người cùng di chuyển nên tôi cũng đi theo dù biết đang đèn đỏ. Mức phạt 900.000 đồng, giữ bằng lái xe 2 tháng là bài học quá đắt”.

Đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm

Đại diện Đội Cảnh sát giao thông số 11, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) làm nhiệm vụ trên Đại lộ Thăng Long cho biết, tốc độ ô tô di chuyển trên đại lộ rất nhanh, nếu lực lượng chức năng dừng xe máy để kiểm tra sẽ gây nguy hiểm tính mạng cho cả người làm nhiệm vụ và người đang lưu thông. Dù vậy, từ đầu năm đến ngày 19-9-2024, trên địa bàn quản lý, Đội đã xử lý 653 trường hợp người điều khiển xe máy với các lỗi: Đi trên đường cao tốc, đi vào đường cấm, đi vào đường ngược chiều. “Để giảm thiểu vi phạm, Đội tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng vừa xử lý, vừa tuyên truyền, song quyết định vẫn ở ý thức người tham gia giao thông”, Đại úy Trần Văn Giáp, Đội Cảnh sát giao thông số 11, khẳng định.

Trong khi đó, chỉ tính từ ngày 15-8 đến 30-9-2024, Đội Cảnh sát giao thông số 7, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã xử lý 1.960 trường hợp người điều khiển xe máy, phạt tiền hơn 1,8 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các lỗi: Đi sai phần đường 180 trường hợp, vượt đèn đỏ 77 trường hợp, đi ngược chiều 74 trường hợp; 1.019 trường hợp không đội mũ bảo hiểm…

Trung tá Nguyễn Việt Anh, Đội Cảnh sát giao thông số 7, cho biết, Đội quản lý các tuyến đường hướng vào trung tâm thành phố nên lưu lượng người và xe tham gia giao thông rất lớn, nhiều người vi phạm theo tâm lý đám đông, nhưng rất khó xử lý, đặc biệt vào giờ cao điểm do ưu tiên cao nhất lúc này là bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn. “Ngoài làm nhiệm vụ tại các chốt trực, Đội còn đẩy mạnh tuần tra kiểm soát để xử lý nghiêm mọi vi phạm. Đây là biện pháp hiệu quả nhằm nâng cao ý thức người tham gia giao thông”, Trung tá Nguyễn Việt Anh nhấn mạnh.

Để thêm căn cứ xử lý vi phạm, mới đây, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất UBND thành phố triển khai hệ thống giao thông thông minh, trong đó có việc lắp đặt 600 camera giám sát phương tiện giao thông tại khu vực nội đô. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm qua kênh Zalo “Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội” và ứng dụng iHaNoi (Công dân Thủ đô số) cũng góp phần nâng cao tinh thần chấp hành pháp luật an toàn giao thông…

Thực tế cho thấy, không hệ thống camera nào có thể giám sát được mọi hành vi; không lực lượng nào có thể xử lý hết mọi vi phạm, song nếu mỗi người cùng có ý thức, trách nhiệm tự giác tuân thủ quy định pháp luật, sẽ góp phần xây dựng văn hóa giao thông văn minh, an toàn, đẩy lùi những hành vi xấu trong lĩnh vực giao thông ở Thủ đô.