Học đại học lo thất nghiệp, đi xuất khẩu lao động kiếm tiền sớm khỏe hơn?

Học đại học lo thất nghiệp, đi xuất khẩu lao động kiếm tiền sớm khỏe hơn?

Xuất khẩu lao động hay học đại học? - Ảnh 1.

Học sinh đến Ngày tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2024 do báo Tuổi Trẻ tổ chức để tìm hiểu ngành học, trường học – Ảnh: MINH TÂN

Không ít học sinh sau khi tốt nghiệp THPT băn khoăn học đại học hay xuất khẩu lao động, khi trên báo đài, mạng xã hội có nhiều thông tin đi xuất khẩu lao động mỗi tháng kiếm hàng chục triệu đồng, trong khi nhiều cử nhân tốt nghiệp xong là… thất nghiệp.

Các chuyên gia cảnh báo cần thận trọng để không bị cuốn vào “vòng xoáy” xuất khẩu lao động.

Cân nhắc kỹ càng

Theo ThS Võ Ngọc Nhơn – phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường đại học Công nghệ TP.HCM, những điều “lung linh” mà học sinh nhìn thấy trên mạng xã hội chưa thể hiện toàn bộ bức tranh của vấn đề xuất khẩu lao động.

Bên cạnh những người thành công, gửi tiền về cho gia đình xây nhà, mua xe, mang một số vốn về nước để kinh doanh hoặc được định cư lâu dài, vẫn có những trường hợp lâm vào cảnh nợ nần, ly tán hoặc vướng vào những yếu tố pháp lý nếu không kiểm soát tốt bản thân và nắm rõ pháp luật của nước sở tại.

“Học đại học hay xuất khẩu lao động đều là lựa chọn tốt, nhưng quyết định đó cần được đưa ra sau khi đã cân nhắc đầy đủ mọi yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan, không nên chỉ dựa trên dư luận xã hội hoặc những thông tin mang tính một chiều” – ông Nhơn khẳng định.

ThS Trần Nam – chuyên gia hướng nghiệp, tuyển sinh – nhận định đúng là xuất khẩu lao động giúp nhiều người có công việc và thu nhập sớm, lại được đào tạo, mở mang kiến thức và trải nghiệm xã hội.

“Tuy nhiên cũng có không ít lĩnh vực có thể nguy hiểm đến sức khỏe người lao động do môi trường làm việc độc hại và thiếu an toàn, đối mặt với những rủi ro khi hội nhập với môi trường mới” – ông Nam nói.

ThS Nguyễn Thị Thùy Trang, giảng viên tâm lý học Trường đại học Quy Nhơn, phân tích có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh. Tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm hoặc thu nhập thấp, rồi nhận thức của gia đình, tâm lý bầy đàn, bắt chước… cũng ảnh hưởng nhiều đến sự lựa chọn của học sinh.

“Thực tế có những địa phương, cả làng rủ nhau đi xuất khẩu lao động, nhiều gia đình và học sinh thấy các anh chị đi trước gửi tiền về cho gia đình ở Việt Nam nên bị ảnh hưởng theo, dù chưa rõ công việc và cuộc sống xuất khẩu lao động cũng như nguyện vọng của học sinh như thế nào”, bà Trang nhận định.

Tính chuyện đường dài

Chị Nguyễn Hằng (Nam Định) cho biết khi làm nhân sự ở một công ty, chị gặp khá nhiều bạn trẻ xuất khẩu lao động xong nộp CV xin việc, nhưng hầu như bị từ chối vì công ty tuyển đòi hỏi yêu cầu thấp nhất là bằng cao đẳng.

“Đi xuất khẩu lao động xong về Việt Nam xin việc rất khó. Vì xuất khẩu lao động chủ yếu là lao động tay chân, ngoài ngoại ngữ thì các bạn hầu như bị thiếu hụt kỹ năng chuyên môn khác. Nếu tính đường làm việc lâu dài, các bạn trẻ nên cân nhắc kỹ càng là học đại học hay đi xuất khẩu lao động”, chị Hằng nói thêm.

Chị Mỹ Duyên (Quảng Ngãi) chia sẻ tính đến nay chị đã xuất khẩu lao động tại Nhật Bản được ba năm, ở đây nếu không may mắn chọn được công ty tốt sẽ dễ bị đánh đập, nhiều người phải làm công việc nặng nhọc nhưng lương nhận lại không xứng đáng.

“Phải lựa chọn thật kỹ, nếu gia đình không quá khó khăn, có thể đi học thì hãy đi học, vì xuất khẩu lao động không đơn giản như thông tin người khác chia sẻ trên mạng xã hội. Mặc dù lương cao nhưng phải đánh đổi nhiều thứ như sức khỏe, gia đình, thời gian”, chị Duyên khuyên nhủ.

Cũng theo chị Duyên, đồng tiền Nhật lên xuống thất thường, hai năm trước thu nhập của chị khoảng 32 triệu đồng/tháng, nhưng tỉ giá đồng yen lên xuống, nhiều lúc chỉ còn 23 triệu, có khi thấp hơn. Việc tiết kiệm 600 – 700 triệu trong ba năm là điều không dễ, còn phải trả nợ môi giới, nợ ngân hàng, chi phí sinh hoạt đắt đỏ nên không quá dư dả.

Quyết định học lại đại học sau khi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, chị Xuân Hoa (Cao Bằng) cho rằng đối với chị, học tập là chuyện cả đời. Ngày xưa gia đình khó khăn nên không có điều kiện học tập, giờ ổn định hơn chị quyết định sẽ quay lại Nhật Bản học tập để tiếp tục ước mơ của mình.

“Đừng vì đồng tiền trước mắt mà bỏ cả tương lai. Nếu thực sự bắt buộc phải nghỉ học để đi xuất khẩu lao động thì cần phải tính đường dài là sau khi xuất khẩu lao động xong bản thân sẽ làm gì tiếp theo, đi học hay kinh doanh buôn bán… Nếu không cũng chỉ là một vòng luẩn quẩn, đi rồi về, về rồi đi tiếp”, chị Hoa khuyên nhủ.

Tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuất khẩu lao động

Cần tìm hiểu thật kỹ việc làm, thu nhập, cuộc sống ở nước ngoài, hiểu rõ về nhu cầu, năng lực của bản thân.

Sự thành công của mỗi cá nhân không chỉ có con đường duy nhất là vào đại học nhưng nếu lựa chọn đi xuất khẩu lao động thì cần tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định.

Đi xuất khẩu lao động không nên chỉ vì mục tiêu kiếm tiền nuôi bản thân, gia đình, mà còn tranh thủ để rèn luyện các kỹ năng, rèn luyện ý chí để làm nền tảng thì tương lai.

ThS tâm lý học Nguyễn Thị Thùy Trang