Đánh giá tác động, đảm bảo tính khả thi
Chiều 24.9, tiếp tục phiên họp 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Việc làm (sửa đổi). Tại tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết một trong những nội dung lớn sửa đổi là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với người lao động (NLĐ) có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên thay vì 3 tháng như hiện nay. Cùng đó, bổ sung người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất.
Dự thảo luật cũng quy định linh hoạt mức đóng BHTN. Cụ thể, NLĐ đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng. Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ đang tham gia BHTN. Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những NLĐ đang tham gia BHTN và do ngân sách T.Ư bảo đảm.
Người lao động đến Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp
Cùng đó, theo ông Dung, dự luật sửa đổi, bổ sung chế độ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ theo hướng quy định các trường hợp người sử dụng lao động được hỗ trợ và quy định điều kiện hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi dễ tiếp cận chính sách.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá tác động, đồng thời có giải pháp để bảo đảm tính khả thi khi mở rộng đối tượng tham gia BHTN. Đồng thời, cần làm rõ cơ chế xử lý tách bạch số tiền chậm đóng, trốn đóng BHTN. Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị xác định Quỹ BHTN là quỹ tài chính ngắn hạn và rà soát các quy định có liên quan để thống nhất với luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 vừa được thông qua.
Chưa bao giờ nhảy việc nhiều như bây giờ!
Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là một trong 3 đột phá chiến lược được Đại hội XIII của Đảng xác định. Do đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc hoàn thiện luật Việc làm phải thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, nhằm phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hội nhập, hiệu quả, đồng bộ với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đảm bảo việc làm bền vững cho NLĐ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo luật sửa đổi có tới 130 điều, tăng hơn gấp đôi luật cũ (61 điều) là vấn đề cần cân nhắc. “Tôi thấy cũng nên lược bớt những cái gì không cần thiết để luật gọn, rõ. Những việc thuộc thẩm quyền Quốc hội quy định thì mới đưa vào, còn việc giải quyết thường xuyên liên tục thì giao Chính phủ, bộ, ngành quy định tại nghị định, thông tư”, Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh việc đổi mới tư duy làm luật đã được T.Ư Đảng xác định.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh mục tiêu sửa luật là tạo điều kiện thuận lợi để tất cả NLĐ, trong đó có nhóm lao động không có quan hệ lao động, được tham gia và thụ hưởng các chính sách, chế độ. Hiện nay, tính chất việc làm đã có nhiều thay đổi. “Có thể tháng này người ta ký hợp đồng với một đơn vị, nhưng có khi chỉ vì chuyện gì đó người ta nhảy sang việc khác. Chưa bao giờ nhảy việc nhiều như bây giờ”, ông Dung đánh giá.
Về BHTN, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết vừa qua, Quốc hội nói Quỹ BHTN là quỹ tài chính ngắn hạn. Thông thường, các nước chỉ để 10% kết dư, còn lại 80 – 90% hỗ trợ cho NLĐ nhanh, kịp thời. Tuy nhiên, ở VN, các chính sách hỗ trợ từ Quỹ BHTN cho NLĐ hiện nay rất ít, gần như chỉ chi hỗ trợ thất nghiệp, còn việc đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đổi tay nghề gần như không có. “Vừa rồi có cho nhưng rất thấp, toàn bộ đào tạo nghề chỉ có 3 – 4 triệu bạc thì đào tạo làm sao được”, ông Dung nêu.
Đề nghị đầu tư bổ sung hơn 20.000 tỉ đồng vốn nhà nước cho Vietcombank
Chiều 24.9, tiếp tục phiên họp 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Trình bày tờ trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank với số tiền 20.695 tỉ đồng để duy trì tỷ lệ vốn góp của nhà nước tại ngân hàng này. Nguồn vốn đầu tư bổ sung từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của Vietcombank.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay thường trực ủy ban nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc đưa nội dung này vào nghị quyết chung của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.