Ban hành Nghị định 46 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp?
Ngày 04/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 46/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định 126/2021/NĐ-CP. Nghị định 46/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/7/2024.
Căn cứ để tiến hành xác minh hành vi vi phạm hành chính xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là gì?
Theo quy định tại Điều 22 Nghị định 99/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 17 Điều 1 Nghị định 46/2024/NĐ-CP, tiến hành xác minh hành vi vi phạm hành chính xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp khi có một trong các căn cứ sau:
- Yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp.
- Kết quả kiểm tra, thanh tra hành chính của cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
- Kiến nghị của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp gây ra.
- Thông tin được cung cấp bởi các cá nhân, tổ chức phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội.
Có thể ủy quyền để yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp không?
Tại Điều 23 Nghị định 99/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 18 Điều 1 Nghị định 46/2024/NĐ-CP, chủ thể quyền sở hữu công nghiệp trực tiếp nộp đơn yêu cầu xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp hoặc ủy quyền cho người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh, đại lý của mình hoặc đại diện sở hữu công nghiệp tại Việt Nam nộp đơn.
Để ủy quyền, phải lập bằng văn bản dưới hình thức giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền. Văn bản ủy quyền phải có các nội dung chủ yếu sau: tên, địa chỉ đầy đủ của bên ủy quyền và bên được ủy quyền; phạm vi ủy quyền; thời hạn ủy quyền; ngày lập văn bản ủy quyền; chữ ký, con dấu (nếu có) của bên ủy quyền; chữ ký, con dấu (nếu có) của bên nhận ủy quyền trong trường hợp là hợp đồng ủy quyền.
Lưu ý: Văn bản ủy quyền của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp của bên ủy quyền và con dấu xác nhận của bên ủy quyền, nếu có con dấu đăng ký hợp pháp. Văn bản ủy quyền của tổ chức, cá nhân nước ngoài phải có xác nhận của công chứng hoặc chính quyền địa phương hoặc lãnh sự quán, hoặc hình thức khác được coi là hợp pháp theo quy định của pháp luật tại nơi lập văn bản ủy quyền.