Nhiều nhà máy chủ động lên lịch nghỉ Tết phù hợp kế hoạch sản xuất và nguyện vọng công nhân, không phụ thuộc vào lịch nhà nước.
Giữa tháng 9, Ban giám đốc Công ty TNHH Hansoll Vina, đóng tại Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương), thông báo lịch nghỉ Tết kéo dài 12 ngày đến hơn 3.000 lao động. Toàn bộ nhà máy sẽ nghỉ từ 24/1 (tức 25 tháng Chạp) đến hết 4/2 (mùng 7 tháng Giêng). Lao động sẽ quay lại làm việc chính thức vào mùng 8 Tết. Trong 12 ngày nghỉ này 5 ngày nghỉ chính thức theo quy định của luật, hai ngày chủ nhật và 5 ngày phép.
Bà Nguyễn Thị Yến, Chủ tịch công đoàn Công ty Hansoll Vina, cho biết lịch nghỉ được ban giám đốc thống nhất với tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp. Công nhân đồng thuận với thời gian nghỉ này.
Nhà máy sản xuất của Hansoll Vina. Ảnh: An Phương
Hansoll Vina là doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực may mặc. Hơn 20 năm qua, từ tháng 8-9 hàng năm, công ty sẽ công bố lịch nghỉ Tết để công nhân ở các tỉnh xa như miền Trung, Bắc chủ động mua vé tàu, xe, lên kế hoạch về quê.
Để có được lịch nghỉ Tết sớm, bà Yến cho biết nhà máy lên kế hoạch sản xuất từ đầu năm, sắp xếp thời gian giao hàng, tăng ca phù hợp. “Tuy nhiên cũng có những lúc bị động”, bà Yến nói. Ví dụ năm xảy ra Covid-19 khiến kế hoạch sản xuất thay đổi, nhiều đơn hàng ùn ứ nên lịch nghỉ Tết công bố muộn. Ngoài ra, vì một vài lý do mà đã đến ngày nghỉ nhưng còn việc, hàng xuất chưa hết, công ty huy động công nhân không về Tết đến làm việc, trả lương cao.
“Nhà máy có bị động nhưng không đáng kể và luôn xử lý được. Quan trọng là kỳ nghỉ của công nhân được thuận lợi, kéo dài và họ biết sớm để mua vé tàu, xe giá tốt”, bà Yến nói.
Theo phương án Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến các bộ ngành, thời gian nghỉ Tết Ất Tỵ từ 26 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng (25/1-2/2/2025), gồm 5 ngày nghỉ chính thức, 4 ngày nghỉ cuối tuần.
Lịch nghỉ Tết Âm lịch theo đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Đồ họa: Đăng Hiếu
Mong sớm có lịch nghỉ Tết chính thức, song ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng ở Khu công nghiệp An Hạ (huyện Bình Chánh, TP HCM), nói lịch nghỉ của nhà nước dùng để tham khảo “chứ không nhất thiết tuân theo”. Doanh nghiệp sẽ xây dựng phương án riêng phụ thuộc vào kế hoạch sản xuất, nguyện vọng công nhân, chốt trước Tết khoảng một tháng rưỡi và công bố cho hơn 1.700 lao động.
“Có những lúc kế hoạch thay đổi phút chót vì tình hình xã hội thay đổi”, ông Hùng nói. Đơn cử vào Tết âm lịch năm 2022, nhiều địa phương yêu cầu người về từ TP HCM phải cách ly 7-14 ngày. Nhiều lao động xin nghỉ sớm để về quê hoàn thành cách ly. Chia sẻ với công nhân, ban giám đốc phải thay đổi phương án cho một bộ phận nghỉ sớm hơn. Ngược lại, có năm nhà máy cần hoàn thành đơn hàng gấp, phải xong trước Tết sẽ cho lao động nghỉ muộn hơn lịch nhà nước 1-2 ngày. Công nhân làm trong thời gian này hưởng lương cao.
“Nghỉ Tết muộn thì quay lại làm việc cũng trễ hơn, ưu tiên hàng đầu vẫn là đảm bảo số ngày nghỉ không ít hơn quy định, đáp ứng mong mỏi của công nhân xa quê”, ông Hùng nói, thêm rằng nhiều năm qua ngoài lịch nghỉ cố định, doanh nghiệp có thêm nhiều chính sách hỗ trợ để công nhân xa quê nghỉ Tết thuận lợi. Lao động được hỗ trợ một phần chi phí tàu, xe. Trường hợp theo xe đưa đón của công ty sẽ được miễn phí hoàn toàn. Ban giám đốc linh động giải quyết ngày phép, duyệt nghỉ không lương nếu lao động muốn nghỉ dài hơn.
Ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Changshin Việt Nam (hơn 42.000 công nhân, ở Đồng Nai), nói 31/10 hàng năm, ban giám đốc và công đoàn cùng ngồi lại thương lượng về thưởng Tết, điều chỉnh lương năm sau và nghỉ Tết. Trước đó công nhân được láy y kiến về ba nội dung làm cơ sở thương lượng. Ban giám đốc sẽ thông tin chi tiết về kế hoạch sản xuất sắp tới.
“Kết hợp hai yếu tố lại cùng với quy định của pháp luật để có được thời gian nghỉ phù hợp”, ông Tú nói. Có những năm đơn hàng gấp, cần hoàn thành trước Tết, công nhân nghỉ muộn hơn. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo lao động được nghỉ ít nhất 7 ngày, trong đó 5 ngày theo quy định của Bộ luật Lao động, 2-3 ngày tăng thêm.
“Hầu hết công nhân ở xa, thời điểm nghỉ của nhà máy có thể muộn hay sớm so với lịch nhà nước nhưng số ngày vẫn đảm bảo thời gian đi về, nghỉ ngơi, đoàn tụ gia đình”, ông Tú nói.
Công nhân Công ty Việt Thắng Jean, phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP HCM, cho rằng hầu hết doanh nghiệp sẽ chủ động sắp xếp lịch nghỉ Tết căn cứ vào kế hoạch sản xuất, quy định của pháp luật. Một số doanh nghiệp có đơn hàng ổn định có thể lên lịch nghỉ từ đầu năm, công bố sớm. Điều này giúp lao động ở xa chủ động mua vé tàu, xe, không nôn nao vào thời điểm cuối năm.
Năm nay, 5 ngày nghỉ Tết bắt đầu từ thứ 2 đến thứ 6, 4 ngày còn lại rơi vào cuối tuần. Trường hợp doanh nghiệp làm việc 5 ngày trong tuần sẽ khớp lịch, không phải sắp xếp. Những công ty làm việc 6 ngày có thể cho nghỉ thêm hai ngày. Theo ông Hồng, mục đích của việc này thường để lịch làm việc của bố mẹ trùng với thời gian nghỉ của con cái hoặc những gia đình có vợ, chồng làm trong khối nhà nước giống nhau, về quê thuận tiện.
Lãnh đạo Hội Dệt May Thêu Đan TP HCM nói thêm nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường Âu, Mỹ – các nước không nghỉ Tết Nguyên đán như Việt Nam – sẽ chuẩn bị kế hoạch sản xuất từ sớm. Để có thể nghỉ Tết sớm, dài hơn, nhiều nhà máy sẽ tăng ca, đẩy năng suất để kịp các đơn hàng, tức đều có kế hoạch riêng, phù hợp với tình hình sản xuất.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu Đời sống xã hội, cho rằng Bộ Luật lao động đã quy định cụ thể nghỉ Tết âm lịch nghỉ 5 ngày, tức đây là mức tối thiểu. Từ cơ sở này, Chính phủ có thể hướng dẫn các điều kiện cụ thể, ví dụ thời điểm bắt đầu nghỉ không được trễ hơn bao nhiêu ngày để tư nhân, ngoài công lập xây dựng. Hàng năm Chính phủ có thể công bố lịch nghỉ riêng nhưng chỉ áp dụng cho khối nhà nước.
Theo chuyên gia, các năm qua, việc lấy ý kiến lịch nghỉ Tết gây nhiều xôn xao và tạo ra những cuộc tranh cãi là không cần thiết. Có những năm doanh nghiệp cho lao động nghỉ Tết dài đến hai tháng vì không có đơn hàng, hoặc phải nghỉ dài ngày để về quê cách ly. Trong khi đó, nhiều người vẫn đang tranh luận lịch nghỉ nhà nước bao nhiêu là phù hợp, kéo dài đến bao lâu…
“Mỗi ngành, nghề, doanh nghiệp sẽ có đặc thù riêng nên nhà nước chỉ cần đưa ra quy tắc để đảm bảo quyền của người lao động là đủ”, ông Lộc nói.
Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương vào các dịp: Tết Dương lịch một ngày (1/1 hàng năm); Tết Âm lịch 5 ngày; một ngày dịp 30/4 và một ngày Quốc tế lao động 1/5; Quốc khánh 2 ngày (2/9 Dương lịch và một ngày liền kề trước hoặc sau); Giỗ tổ Hùng Vương một ngày (10/3 Âm lịch). Hàng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng quyết định cụ thể số ngày nghỉ Tết Âm lịch và dịp Quốc khánh.
Lê Tuyết