Chiều 24.9, tiếp tục phiên họp 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Việc làm (sửa đổi). Tại tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, dự luật dự kiến mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp với người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên thay vì 3 tháng như hiện nay.
Cùng đó, bổ sung người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung
Dự thảo luật cũng quy định linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng. Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách T.Ư bảo đảm.
Cùng đó, theo ông Dung, dự luật sửa đổi, bổ sung chế độ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo hướng quy định các trường hợp người sử dụng lao động được hỗ trợ và quy định điều kiện hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi dễ tiếp cận chính sách.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá tác động, đồng thời có giải pháp để bảo đảm tính khả thi khi mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, cần làm rõ cơ chế xử lý tách bạch số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị xác định Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là quỹ tài chính ngắn hạn và rà soát các quy định có liên quan để thống nhất với luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 vừa được thông qua.
“Chưa bao giờ nhảy việc nhiều như bây giờ”
Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là một trong 3 đột phá chiến lược được Đại hội XIII của Đảng xác định.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu ý kiến tại phiên họp
Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc hoàn thiện luật Việc làm phải thế chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, nhằm phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hội nhập, hiệu quả, đồng bộ với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đảm bảo việc làm bền vững cho người lao động.
Theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo luật mới có tới 130 điều, tăng gần gấp đôi luật cũ là vấn đề cần cân nhắc. “Tôi thấy cũng nên lược bớt những cái gì không cần thiết để luật gọn, rõ. Những việc thuộc thẩm quyền Quốc hội quy định cần thiết phải đưa vào, còn việc giải quyết thường xuyên liên tục thì Chính phủ có nghị định, bộ, ngành có thông tư”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, hiện nay, tính chất việc làm đã có nhiều thay đổi. “Có thể tháng này người ta ký hợp đồng giao kết với một đơn vị nhưng có khi chỉ cần vì chuyện gì đó người ta nhảy sang việc khác. Chưa bao giờ nhảy việc nhiều như bây giờ”, ông Dung đánh giá.
Về bảo hiểm thất nghiệp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH nói, vừa qua, Quốc hội cho phép sử dụng 41.000 tỉ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động là một “bài học”. Ông cho hay, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là quỹ tài chính ngắn hạn. Thông thường, các nước chỉ để 10% kết dư, còn lại 80 – 90% hỗ trợ cho người lao động nhanh, kịp thời.
Tuy nhiên, ông Dung phản ánh, các chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động hiện nay rất ít, gần như chỉ chi hỗ trợ thất nghiệp, còn việc đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đổi tay nghề gần như không có.
“Vừa rồi có cho nhưng rất thấp, toàn bộ đào tạo nghề chỉ có 3 – 4 triệu bạc thì đào tạo làm sao được”, ông Dung phàn nàn.