James Earl Jones từng gây tiếng vang toàn cầu với vai Darth Vader trong Star wars – Ảnh: NME
Suốt sự nghiệp diễn xuất kéo dài hơn sáu thập niên, giọng nói của James Earl Jones, nổi tiếng với vai Darth Vader trong Star wars, khắc sâu vào ký ức tuổi thơ của khán giả khắp thế giới.
Khi ông mất, các nhà phân tích bắt đầu bàn luận sôi nổi về vấn đề sử dụng công nghệ AI để sao chép giọng nói của các nghệ sĩ, mở ra tranh cãi rằng AI đang bảo tồn nghệ thuật hay lạm dụng công nghệ.
Các diễn viên lồng tiếng khẳng định không phản đối sử dụng công nghệ AI, mà lo ngại rằng các hãng phim có thể tận dụng nó để thay thế họ.
James Earl Jones cho phép AI sao chép giọng nói?
Biên tập viên âm thanh của Skywalker Sound tiết lộ với tờ Vanity Fair rằng James Earl Jones đồng ý cho sử dụng các bản ghi âm lưu trữ Darth Vader ban đầu, sao chép giọng nói của ông qua phần mềm AI để nhân vật này tồn tại mãi mãi.
Jones ký thỏa thuận này sau khi Skywalker Sound trình bày cho ông công nghệ của công ty khởi nghiệp Respeecher từ Ukraine, từng áp dụng trong loạt phim Obi-Wan Kenobi của Disney+.
Tuy nhiên, quyết định này gây lo ngại trong cộng đồng diễn viên lồng tiếng. Họ sợ rằng công nghệ AI có thể làm giảm hoặc thay thế hoàn toàn cơ hội việc làm.
Theo CBS News, những lo ngại này lan rộng khắp ngành công nghiệp, dẫn đến cuộc đình công của các diễn viên thuộc liên đoàn SAG-AFTRA vào cuối tháng 7, sau khi các cuộc đàm phán với những công ty trò chơi điện tử lớn không đạt kết quả.
Cuộc đình công của SAG-AFTRA diễn ra vào năm ngoái để lộ những góc khuất của Hollywood – Ảnh: Smoney
Hay cuộc đình công kéo dài sáu tháng vào năm ngoái của các diễn viên lồng tiếng trò chơi điện tử tại Hollywood, đánh dấu lần thứ hai trong một thập niên ngành công nghiệp này đối mặt với xung đột lao động.
Tuy vậy, phải thừa nhận quyết định của James Earl Jones mở ra hướng đi cho việc thiết lập các quy trình minh bạch trong sử dụng AI, nhằm đảm bảo rằng các diễn viên hưởng quyền lợi xứng đáng khi giọng nói của họ bị sao chép.
Mary LaFrance, giáo sư luật sở hữu trí tuệ tại UNLV, trả lời The Hollywood Reporter: “Nhiều yếu tố sẽ phụ thuộc vào loại hợp đồng mà diễn viên ký trong suốt sự nghiệp của họ. Nếu họ cho phép sử dụng bản sao kỹ thuật số của giọng nói hoặc hình ảnh của mình thì các điều khoản của hợp đồng đó là gì?
Liệu những hợp đồng này có còn hiệu lực đối với các tác phẩm bổ sung tạo ra sau khi họ qua đời không?”.
Star wars gây bất ngờ khi đưa nhân vật Grand Moff Tarkin trở lại trong Rogue One
Bảo tồn nghệ thuật hay lạm dụng công nghệ?
Gần đây, Alien: Romulus “tái sinh” vai diễn của cố diễn viên Ian Holm bằng cách kết hợp giữa kỹ thuật điều khiển animatronic (con rối điện tử), công nghệ CGI và AI.
Theo tiết lộ của ê kíp với Variety, những cử chỉ gương mặt và hoạt động đều điều khiển thủ công, sau đó qua lớp CGI để biểu cảm trông tự nhiên hơn.
Tiếp theo, nhân vật được lồng tiếng bởi diễn viên Daniel Betts và cuối cùng là dùng phần mềm AI tên Speecher để điều chỉnh giọng nói giống với diễn viên Ian Holm trong Alien (1979).
Rook có ngoại hình giống Ash trong bản gốc – Ảnh: Escapist
Loạt phim Star wars cũng tạo nên bước đột phá khi đưa nhân vật Grand Moff Tarkin trở lại trong Rogue One. Phim sử dụng công nghệ kỹ thuật số để tái tạo hình ảnh của diễn viên Peter Cushing (đã qua đời năm 1994).
Bên cạnh sự trầm trồ trước công nghệ làm phim hiện đại, nhiều tờ báo chê sự xuất hiện của các nhân vật này như đi ra từ cơn ác mộng, lên án chung việc Hollywood đưa ngoại hình của diễn viên đã khuất trở lại làm công cụ kiếm tiền.
Diễn viên lồng tiếng Brock Powell nhận định với tờ CBS News: “Các nhà khoa học đang quá bận tâm đến việc liệu họ có thể làm được hay không mà không dừng lại để hỏi xem liệu chúng ta có nên làm hay không.
Công nghệ đang bị lạm dụng dưới danh nghĩa bảo tồn giá trị nghệ thuật. Thay vì lo lắng về việc ai khác có thể thay thế Darth Vader của James Earl Jones, sao chúng ta không tạo ra nhân vật mới trong Star wars với sức hấp dẫn ngang tầm như Darth Vader?”.