Quy định của pháp luật về hưởng thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc

Một số đối tượng được pháp luật quy định được hưởng di sản thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Vậy tôi muốn biết: Trong trường hợp con không có tên trong di chúc có được thừa kế tài sản của bố mẹ không? 

Trả lời:

Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015 năm 2015 quy định người lập di chúc có quyền sau:

“1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản”.

Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

          “1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

          a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

          b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

          2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này”.

– Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc”.

Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về di chúc như sau: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.

Theo quy định của pháp luật, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Về nguyên tắc thì pháp luật sẽ tôn trọng quyền tự do định đoạt của người để lại thừa kế, họ có quyền lập di chúc để di sản của mình cho bất kỳ ai. Việc chỉ định người thừa kế và truất quyền hưởng di sản của người thừa kế là quyền của người lập di chúc. Do đó người lập di chúc có quyền cho con hưởng hoặc không được hưởng di sản của mình. Tuy nhiên, do tính nhân văn của pháp luật nhà nước ta, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của một số người thừa kế theo pháp luật, ở hàng thừa kế thứ nhất, Điều 644 Bộ luật dân sự quy định hạn chế quyền tự do lập di chúc của người có tài sản. Theo đó, quy định người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc gồm: con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con thành niên mà không có khả năng lao động vẫn được hưởng phần di sản. Phần di sản thừa kế bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp những người con này không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó. Như vậy, trường hợp người con chưa thành niên hoặc con thành niên mà không có khả năng lao động mặc dù bố, mẹ không để lại di chúc thì vẫn sẽ được hưởng phần tài sản của bố, mẹ để lại và được hưởng hai phần ba của một suất thừa kế theo pháp luật.

Như Quỳnh