Các bị cáo được dẫn giải từ sáng sớm đến phiên tòa xét xử giai đoạn 2. Ảnh: Nghiêm Ý
Hội đồng xét xử gồm thẩm phán Nguyễn Thị Hà, Phó Chánh tòa Hình sự làm chủ tọa, thẩm phán Vũ Hoài Nam. Hội thẩm nhân dân gồm các ông Nguyễn Đình Cương, Trần Ngọc Thực, Bùi Quang Việt. Các thẩm phán dự khuyết: Thẩm phán Nguyễn Văn Hà và Phạm Viết Hùng. Hội thẩm dự khuyết: Bà Thi Thị Tuyết Nhung và Lê Giáo.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giữ quyền công tố tại tòa có 5 kiểm sát viên, gồm: Ông Vũ Tất Ba, Đào Lê Văn, Nguyễn Hồng Hiệp, Bùi Thanh Hằng và Lê Trương Hà Linh.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, vụ án có 35.824 bị hại; 534 tổ chức, cá nhân là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Hơn 40 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bị hại.
An ninh được siết chặt tại phiên tòa xét xử giai đoạn 2. Ảnh: Nghiêm Ý
Tổng số tiền bị thu giữ trong vụ án là 408 tỷ đồng. Đã phong tỏa 79 tài khoản với tổng số tiền là 92 tỷ đồng và 5.799 USD; ngăn chặn giao dịch, sổ tiết kiệm, tài khoản chứng khoán với tổng số tiền hơn 824 tỷ đồng và 261.914 USD; kê biên thửa đất của Trương Mỹ Lan tại địa chỉ 268 đường Võ Văn Kiệt, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh và 16 quyền sử dụng đất ở huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh; thửa đất tại huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội; 76 quyền sử dụng đất tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Phiên tòa thu hút sự chú ý của dư luận. Ảnh: Nghiêm Ý
Ngay từ sáng sớm, nhiều người dân đã đến để theo dõi phiên tòa. Để bảo đảm quá trình xét xử diễn ra thuận lợi, an ninh trật tự tại phiên tòa được thắt chặt, xuyên suốt, từ trong ra ngoài.
Trước khi mở phiên tòa, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cũng có thông báo đối với 35.824 người bị hại, là các nhà đầu tư mua trái phiếu của các mã QT.2018.12.01, ADC 2018.09, ADC 2018.09.01, ADC 2019.01, SET.H2025, SNW-2018.10, do Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông, Công ty cổ phần Đầu tư Sunny Word, Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận, theo dõi thông tin về ngày, giờ xét xử vụ án và cập nhật diễn biến vụ án trên trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
Lực lượng chức năng bảo vệ nghiêm ngặt tại phiên tòa xét xử giai đoạn 2. Ảnh: Nghiêm Ý
Đồng thời, tòa án sẽ tiến hành xét xử vắng mặt bị hại, đương sự và bảo đảm quyền, lợi ích của các bị hại, đương sự, không gây ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án và không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bị hại, đương sự.
Cũng theo thông báo, đối với các cá nhân sở hữu trái phiếu nhưng không thuộc 6 mã trái phiếu trên phát hành sẽ không nằm trong phạm vi xét xử đối với vụ án này.
Bảo vệ cho bị cáo Trương Mỹ Lan ở phiên tòa giai đoạn 2 này có 4 luật sư. Ông Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan) và Trương Huệ Vân (cháu bà Trương Mỹ Lan) mỗi người có 2 luật sư bào chữa.
Bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và bị cáo ở giai đoạn 1. Ảnh: Xuân Thăng
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được bà Trương Mỹ Lan thành lập, nắm giữ 60% cổ phần và làm Chủ tịch Hội đồng quản trị từ năm 1992 đến nay. Ngoài ra, Trương Mỹ Lan thông qua người thân, pháp nhân và cá nhân khác đứng tên hộ để nắm giữ phần lớn cổ phần tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI); qua đó, thao túng, chỉ đạo, điều hành, chi phối mọi hoạt động của các pháp nhân này.
Cáo trạng xác định bà Trương Mỹ Lan đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành trái phiếu, rửa tiền hơn 445.000 tỷ đồng và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới 4,5 tỷ USD.
Dự kiến phiên tòa diễn ra từ ngày 19-9 đến 19-10-2024.
Trước đó, tháng 4-2024, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm giai đoạn 1, tuyên bị cáo Trương Mỹ Lan tử hình vì chiếm đoạt của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hơn 677.000 tỷ đồng. Dự kiến, cuối tháng 10-2024, Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của bị cáo Trương Mỹ Lan và một số bị cáo, người liên quan.