Các bác sĩ Trung tâm nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phẫu thuật cho bệnh nhân – Ảnh: BVCC
Thời gian vừa qua, Trung tâm nam học – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức gặp rất nhiều trường hợp người có bộ phận sinh dục nữ, đăng ký khai sinh là nữ. Nhưng trong quá trình phát triển có nhiều biểu hiện bất thường nên đã đi khám và phát hiện giới tính thật của mình là “nam”.
Theo PGS Nguyễn Quang, chủ tịch Hội Y học giới tính Việt Nam, giám đốc Trung tâm nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nhiều người khi sinh ra có những khiếm khuyết bẩm sinh gây nhầm lẫn giới tính khi sinh.
Trong đó những khiếm khuyết bẩm sinh như tật lỗ tiểu thấp, tinh hoàn ẩn, phì đại âm vật, rối loạn phát triển giới tính… là những bệnh lý thường gây nhầm lẫn giới tính ngay khi trẻ vừa chào đời.
Nhiều trường hợp trẻ sống với giới tính nhầm lẫn rất nhiều năm mới được phát hiện và can thiệp khi bắt đầu có biểu hiện tâm sinh lý khác với giới tính hình thể bên ngoài.
“Không những vậy, có một số trường hợp giới tính mới được xác định lại khi bản thân đã qua tuổi trưởng thành, gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, công việc và gia đình.
Cũng đã có những trường hợp trải qua giai đoạn dậy thì, hình thể ngoài hoàn toàn như những người phụ nữ khác, nhưng khi không thấy có kinh nên đã đi khám và phát hiện ra giới tính thật”, ông Quang thông tin.
Theo ông Quang, việc xác định lại giới tính cần dựa trên rất nhiều tiêu chuẩn về mặt y khoa như nhiễm sắc thể, tuyến sinh dục, nội tiết tố, khả năng sinh sản, phẫu thuật… Bên cạnh đó cần lưu ý tâm lý, nhận thức của chính bệnh nhân và cha mẹ.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo khi trẻ có những nghi ngờ, cảm thấy bản thân khác với bạn bè cùng trang lứa, cha mẹ nên bình tĩnh lắng nghe, đồng hành cùng trẻ.
Trong trường hợp nghi ngờ trẻ có khiểm khuyết bẩm sinh, nên đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra.
Xác định lại giới tính là một việc làm mang tính nhân văn, bảo đảm mỗi người được sống đúng với giới tính của mình.