Ngày 18.9, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết vừa có công văn gửi các doanh nghiệp dịch vụ đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại khu vực Trung Đông về việc đảm bảo an toàn cho người lao động tại các khu vực có xung đột hoặc nguy cơ xảy ra xung đột.
Lao động Việt Nam làm việc tại Trung Đông
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, thời gian qua tình hình xung đột tại Trung Đông tiếp tục lan rộng, phức tạp và khó dự báo, có thể gây ra những tác động bất lợi về tâm lý, ảnh hưởng đến việc làm và sinh hoạt của người lao động Việt Nam làm việc tại đây.
Trước thực trạng trên, Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại khu vực Trung Đông cần thường xuyên liên hệ với người lao động, đối tác, đại diện thường trú của doanh nghiệp và Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại khu vực để cập nhật tình hình công việc, sinh hoạt của người lao động để kịp thời hỗ trợ người lao động trong trường hợp cần thiết.
Các doanh nghiệp phải yêu cầu đối tác sử dụng lao động Việt Nam có các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho người lao động, kịp thời thông báo cho các cơ quan sở tại khi có vấn đề phát sinh.
Tăng cường công tác quản lý người lao động, khuyến cáo người lao động tuân thủ các quy định để đảm bảo an ninh, an toàn tại nơi ở và nơi làm việc.
Khi có phát sinh liên quan đến người lao động, cần kịp thời báo cáo các cơ quan hữu quan để được tư vấn, hỗ trợ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Trong tháng 8, Bộ Ngoại giao đã cảnh báo công dân Việt Nam không đến Li Băng, Iran và Israel trong thời điểm này. Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Đông cũng đề nghị cơ quan chức năng sở tại đảm bảo an toàn tối đa cho công dân Việt Nam.
Có khoảng 10.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại các nước khu vực Trung Đông, trong các ngành nghề như xây dựng, cơ khí… và một số ít người là kỹ sư. Lao động Việt Nam tập trung chủ yếu tại Ả Rập Xê Út, UAE, Kuwait, Qatar…
Tình báo Israel cài chất nổ trong hàng ngàn máy nhắn tin của Hezbollah?