Hợp đồng cho tặng bất động sản phải được công chứng hoặc chứng thực

Bố mẹ đẻ cho em một thửa đất để sau khi lập gia đình vợ chồng ra ở riêng. Không biết, trong trường hợp này có cần công chứng việc cho tặng hay không? Em có thể chuyển nhượng để lấy vốn làm ăn, tích cóp thêm rồi mua nhà chỗ khác hay phải làm nhà theo ý bố mẹ?

Trả lời

Điều 459 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về tặng cho bất động sản như sau:

“1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.

2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản”.

Thêm nữa, theo khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai năm 2014, việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:

“a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;

c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;

d) Việc công chứng, chứng thực thực hiện theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực”.

Ngoài ra, giá trị pháp lý của văn bản công chứng được quy định tại Điều 5 Luật Công chứng năm 2014 như sau:

“1. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

2. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.

3. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.

4. Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch”.

Căn cứ các quy định nêu trên, nếu hợp đồng tặng cho nhà đất đã được công chứng hoặc chứng thực không kèm theo điều kiện nào khác, nhưng bên nhận tặng cho chưa thực hiện việc đăng ký, sang tên theo quy định, thì hợp đồng tặng cho này vẫn chưa có hiệu lực. Ngược lại, trường hợp hợp đồng tặng cho nhà đất đã được công chứng, không kèm theo điều kiện nào khác và bên nhận tặng cho đã thực hiện việc đăng ký, sang tên theo quy định thì hợp đồng tặng cho nhà đất đã có hiệu lực, lúc này, với tư cách là bên nhận tặng cho, bạn có toàn quyền định đoạt tài sản được tặng cho.

Việc định đoạt của bên nhận tặng cho chính là thực hiện quyền của người sử dụng đất, được quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Đất đai năm 2024. Đó là: “chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan”.

Tóm lại, sau khi thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, với tư cách là người sử dụng đất, bạn có quyền chuyển nhượng cho người khác để lấy vốn làm ăn. Tuy vậy, xét trong quan hệ gia đình, bạn cũng nên báo cáo, trao đổi việc này với bố mẹ để họ đồng thuận và tránh làm phát sinh mâu thuẫn không đáng có.

Thu HƯờng