Tổ chức có trở thành chủ sở hữu của chỉ dẫn địa lý khi tổ chức thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mình sản xuất ra không?
Theo căn cứ tại Điều 88 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bởi Khoản 26 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định về quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý như sau:
- Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước. Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài là chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý theo pháp luật của nước xuất xứ có quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý đó tại Việt Nam.
Như vậy, quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước. Chỉ khi Nhà nước cho phép tổ chức sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý thì tổ chức đó mới được thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Theo đó, tổ chức không trở thành chủ sở hữu của chỉ dẫn địa lý khi thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý đó.
Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ khi đáp ứng các điều kiện gì?
Theo căn cứ tại Điều 79 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bởi khoản 24 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định về điều kiện chung đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ như sau:
- Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia tương ứng với chỉ dẫn địa lý.
- Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.
Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý có hiệu lực trong bao lâu?
Theo khoản 7 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp.