Mẫu bảng kê khai người phải trực tiếp nuôi dưỡng mới nhất năm 2024
Mẫu bảng kê khai người phải trực tiếp nuôi dưỡng mới nhất năm 2024 được sử dụng mẫu 07/ĐK-NPT-TNCN quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC.
Tải Mẫu bảng kê khai người phải trực tiếp nuôi dưỡng mới nhất năm 2024 tại đây. Tải về.
Cách viết bản kê khai người phải trực tiếp nuôi dưỡng năm 2024 như thế nào?
Cách viết bản kê khai người phải trực tiếp nuôi dưỡng năm 2024 được hướng dẫn như sau:
[1] Điền đầy đủ thông tin về ngày, tháng, năm của kỳ tính thuế.
[2] Đánh dấu X và ô trống, nếu khai lần đầu tiên trong kỳ tính thuế.
[3] Chỉ điền khi thực hiện đăng ký bổ sung người phụ thuộc – người thực hiện việc Đăng ký người phụ thuộc phải nêu rõ số lần đăng ký bổ sung.
[4] Điền đầy đủ thông tin về họ và tên của người nộp thuế – người đang thực hiện Đăng ký người phụ thuộc để được hưởng giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân.
[5] Điền đầy đủ thông tin mã số thuế của cá nhân đăng ký người phụ thuộc.
[6] Điền đầy đủ thông tin nơi nhận thông báo mã số thuế người phụ thuộc.
[7] Tên đầy đủ tên của tổ chức trả thu nhập cho cá nhân đăng ký người phụ thuộc.
[8] Điền đầy đủ thông tin về mã số thuế của tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho cá nhân đăng ký người phụ thuộc.
[9] Điền đầy đủ thông tin về họ và tên của người phụ thuộc.
[10] Điền thông tin về mã số thuế của người phụ thuộc (nếu có).
[11] Điền thông tin về thời điểm bắt đầu tính giảm trừ người phụ thuộc. Trường hợp người nộp thuế thay đổi tổ chức trả thu nhập tính giảm trừ người phụ thuộc hoặc thay đổi người nộp thuế tính giảm trừ người phụ thuộc thì mục này được khai là thời điểm bắt đầu tính giảm trừ người phụ thuộc tại tổ chức đó hoặc thời điểm bắt đầu tính giảm trừ người phụ thuộc tại người nộp thuế đó. Trường hợp người nộp thuế đăng ký giảm trừ người phụ thuộc cho thời gian trước năm hiện tại do thực hiện quyết toán lại những năm trước thì mục này được khai là thời điểm bắt đầu tính giảm trừ người phụ thuộc tương ứng năm quyết toán trước năm hiện tại.
[12] Điền thông tin về thời điểm kết thúc tính giảm trừ người phụ thuộc. Trường hợp người nộp thuế chưa xác định được thời điểm kết thúc tính giảm trừ người phụ thuộc thì bỏ trống. Trường hợp người nộp thuế thay đổi thời điểm kết thúc tính giảm trừ người phụ thuộc (bao gồm cả trường hợp đã khai hoặc bỏ trống mục này) thì người nộp thuế thực hiện khai bổ sung Bản đăng ký người phụ thuộc để cập nhật lại mục này theo thời điểm thực tế kết thúc tính giảm trừ người phụ thuộc.
[13] Điền TÊN loại giấy tờ: Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân, nếu người phụ thuộc chưa có Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân thì điền giấy khai sinh.
Người phải trực tiếp nuôi dưỡng được xác định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 sửa đổi bởi Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 quy định về giảm trừ gia cảnh như sau:
Điều 19. Giảm trừ gia cảnh
….2. Việc xác định mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc thực hiện theo nguyên tắc mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một đối tượng nộp thuế.
- Người phụ thuộc là người mà đối tượng nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng, bao gồm:
a) Con chưa thành niên; con bị tàn tật, không có khả năng lao động;
b) Các cá nhân không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá mức quy định, bao gồm con thành niên đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề; vợ hoặc chồng không có khả năng lao động; bố, mẹ đã hết tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động; những người khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng.
Chính phủ quy định mức thu nhập, kê khai để xác định người phụ thuộc được tính giảm trừ gia cảnh.
Theo đó, người phải trực tiếp nuôi dưỡng là người phụ thuộc được xác định trong việc giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN mà người nộp thuế có trách nhiệm trực tiếp nuôi dưỡng, bao gồm các trường hợp sau:
[1] Con (bao gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, con riêng của vợ, con riêng của chồng) dưới 18 tuổi.
[2] Con (bao gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, con riêng của vợ, con riêng của chồng) từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật không có khả năng lao động.
[3] Con (bao gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, con riêng của vợ, con riêng của chồng) đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học bậc học phổ thông mà không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng/ thu nhập bình quân tháng trong năm.
[4] Người ngoài độ tuổi lao động, người trong độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật nhưng bị khuyết tật không có khả năng lao động mà không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng không vượt quá 1.000.000 đồng/ thu nhập bình quân tháng trong năm, bao gồm:
- Vợ hoặc chồng của người nộp thuế.
- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ nuôi hợp pháp, cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng) của người nộp thuế.
- Cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng.
Trân trọng!