Nâng tầm sản phẩm OCOP truyền thống

Nâng tầm sản phẩm OCOP truyền thống

Biên phòng – Nghề làm nem Lai Vung là một trong những nghề truyền thống lâu năm nhất ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Để giữ được nghề bền vững, người làm nem đã phải đầu tư công nghệ hiện đại vào chế biến, sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng, tăng năng suất và hợp vệ sinh.


Nghề làm nem Lai Vung truyền thống luôn phải nhờ vào lao động thủ công. Ảnh: Thúy Hạnh

Lai Vung là huyện phía Nam tỉnh Đồng Tháp, được biết đến là “vương quốc quýt hồng” và cũng nổi tiếng bởi thương hiệu “Nem Lai Vung”. Các nguyên liệu để tạo nên món nem Lai Vung gồm: thịt đùi lợn, da lợn, lá vông, lá chuối, là những nguyên liệu quen thuộc, sẵn có tại địa phương, cùng với một số gia vị phổ biến trong chế biến thức ăn hằng ngày. Nem Lai Vung được hình thành và phát triển hơn 60 năm qua, nhưng hương vị đặc trưng của nem Lai Vung vẫn không thay đổi. Không lẫn với các vị nem khác trên thị trường, nem Lai Vung 8 phần thịt, 2 phần da bì, dai, giòn và đủ 4 vị chua, cay, mặn, ngọt. Nem Lai Vung không chỉ thỏa mãn thực khách ở vị giác, mà còn cả thị giác và khứu giác với lớp thịt nem màu đỏ hồng tươi, điểm xuyết hạt tiêu đen, lát tỏi trắng, lá vông xanh.

Từ những vị ngon độc đáo đó, năm 2012, nghề sản xuất kinh doanh nem đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu hàng hóa “Nem Lai Vung”. Đồng thời, một số cơ sở làm nem Lai Vung cũng được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao.

Ngoài vị ngon chất lượng, còn có sự đam mê yêu nghề của những người sản xuất nem. Dù trải qua bao thăng trầm, nhưng nghề làm nem sau 60 năm vẫn tồn tại và phát triển. Nếu ban đầu chỉ có vài hộ làm nem, thì đến nay, toàn huyện Lai Vung có hơn 20 cơ sở sản xuất nem, như: Giáo Thơ, Út Thẳng, Hoàng Khánh, Thanh Xuân, Thanh Sơn, Cô Hiệp… Các cơ sở sản xuất đã tạo việc làm cho khoảng 300 lao động tham gia. Tổng sản lượng nem làm ra hàng trăm nghìn chiếc mỗi ngày, giá trị tổng sản lượng đạt trên 60 tỷ đồng/năm.

Điển hình là cơ sở sản xuất nem Út Thắng ở xã Long Hậu – một trong những cơ sở sản xuất nem lớn nhất của huyện Lai Vung. Ít ai ngờ được rằng, nghề làm nem truyền thống thường phải nhờ vào lao động thủ công, nay trên đà phát triển, nhiều hộ sản xuất đã đầu tư công nghệ hiện đại là những chiếc máy làm nem công suất lớn. Đặc biệt, các cơ sở luôn đảm bảo sản xuất “sạch” từ nguồn nguyên liệu đến từng công đoạn. Người gói đã áp dụng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm rất nghiêm ngặt, với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành nhằm tăng sức cạnh tranh.

Năm 2017, nhận thấy việc sử dụng máy để đóng gói là cần thiết, nên ông Phạm Ngọc Thẳng, chủ cơ sở nem Út Thẳng đã sắm chiếc máy đóng gói đầu tiên. Máy có chức năng phân chia, đóng gói chiếc nem đúng kích cỡ và đóng gói hoàn chỉnh. Chiếc nem nhìn đều và đẹp hơn. Nhờ đó, sản lượng nem đã tăng gấp nhiều lần. Ông Thẳng chia sẻ: “Sau một thời gian, người ta đã sáng chế và cải tiến thêm máy cắt da, máy trộn thịt, máy chia nem, rồi máy đóng gói, nên đỡ rất nhiều trong việc làm thủ công. Lợi nhuận thu được về tăng cao, mà áp lực về nhân lực, bởi một cái máy có thể tương đương với 15 công nhân”. Với 3 máy gói nem, vốn đầu tư cả tỷ đồng, nếu hoạt động hết công suất, cơ sở tôi sẽ có thể gói hơn 10.000 chiếc mỗi ngày. Được máy hoạt động như ngày nay là một quá trình cải tiến không ngừng. Nhờ đó, quá trình sản xuất nem của cơ sở đã trở nên thuận lợi. Khách hàng tìm hiểu thấy chất lượng của nem Lai Vung nên đơn đặt hàng sẽ nhiều hơn. Không chỉ vì nguyên liệu chính để làm nên chiếc nem được lựa chọn bằng nguyên liệu tươi ngon, mà tất cả khâu xay, trộn nguyên liệu được thay thế bằng máy móc, làm cho không khí lao động ở đây càng khẩn trương hơn, để kịp đưa những chiếc nem thương hiệu Lai Vung đến được nhiều vùng miền đất nước”.

Giống như thời bán nem dạo, cơ sở Út Thẳng chăm chút cho chiếc nem ngày một ngon hơn, với hương vị đặc trưng, không chỉ tạo dựng uy tín cho riêng mình, mà còn bồi đắp xây dựng tiếng thơm cho cả làng nghề. Nhờ lấy chữ tín làm trọng, sự cần mẫn, chu đáo của đội ngũ nhân viên lành nghề, sự tận tâm miệt mài trong công việc, nghề làm nem của gia đình ông Út Thẳng cứ ngày một phát triển, nhất là khi gia đình ông đầu tư mở ra trạm dừng chân ven quốc lộ và kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm cho khách bộ hành vào năm 1986. Đặc biệt là khách hành hương vào mùa lễ hội Vía bà Chúa Sam, hay khách du lịch đến các tỉnh miền Tây dịp Hè, tạo nên không khí nhộn nhịp.

Cơ sở của gia đình ông Út Thẳng có hơn 60 thợ làm nem, vốn là con em của những hộ dân lân cận. Tích lũy từ nghề sản xuất nem và nghề kinh doanh dịch vụ đã giúp gia đình ông Út Thẳng mở rộng dần cơ sở sản xuất. Từ 2.000m2 ban đầu, nay, cơ sở đã mở rộng diện tích rộng hơn 13.000m2. Ngoài nem là mặt hàng chủ lực, trạm dừng chân của ông Út Thẳng còn là nơi góp mặt của nhiều mặt hàng để khách có cơ hội lựa chọn, mua sắm, trong đó có các mặt hàng OCOP và các sản vật khác của địa phương như đặc sản từ tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Sóc Trăng đến tận Lâm Đồng. Gần 3 thập niên mở trạm dừng chân có lẽ là khoảng thời gian, ông Út Thẳng đúc kết được nhiều bài học cho riêng mình.

Hiện nay, nem Lai Vung đã đăng kỳ bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và được Cục Sở hữu công nghiệp cấp giấy chứng nhận có giá trị 10 năm cho các cơ sở sản xuất nem uy tín như: Giáo Thơ (xã Tân Thành), Tư Minh, Út Thẳng, Thúy Ngoan (thị trấn Lai Vung). Ngày 25/1/2024, tại huyện Lai Vung, nghề làm nem Lai Vung đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đưa ứng dụng công nghệ khoa học vào sản xuất nem truyền thống Lai Vung, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát huy giá trị của nghề, góp phần quan trọng trong việc lan tỏa của di sản, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của người dân.

Thuý Hạnh