Tên tuổi, số điện thoại bị chia sẻ tràn lan thì phải làm sao?

Tên tuổi, số điện thoại bị chia sẻ tràn lan thì phải làm sao?

Trước đây, tôi điền khảo sát cho một chương trình âm nhạc có đầy đủ thông tin cá nhân. Một thời gian sau tôi liên tục nhận những cuộc gọi mời vay tín dụng rất phiền phức.

Trong lúc điền khảo sát tôi tin tưởng bên chương trình uy tín nên không ngại chia sẻ các thông tin cá nhân để giúp họ hoàn thành công việc. Khi bị các cuộc gọi rác như cho vay tín dụng, mời chào mua trái phiếu, mua đất nền… “tấn công”, tôi hỏi “làm sao có thông tin của tôi để liên hệ” thì có người cho biết được chương trình âm nhạc kia cung cấp.

Như vậy hành vi cung cấp thông tin cá nhân của người khác bị xử lý ra sao? Tôi phải làm gì để tránh bị phiền phức bởi các cuộc gọi rác này?

Độc giả Minh Thư

Luật sư trả lời:

Trước hết, có thể khẳng định họ tên, số điện thoại của bạn là thông tin cá nhân của bạn và được pháp luật bảo vệ.

Cụ thể, tại khoản 5 Điều 3 Nghị định số 64/2007/NĐ-CP quy định thông tin cá nhân là đủ để xác định chính xác danh tính một cá nhân; bao gồm ít nhất nội dung trong những thông tin sau đây: họ tên, ngày sinh, nghề nghiệp, chức danh, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, số hộ chiếu. Những thông tin thuộc bí mật cá nhân gồm: hồ sơ y tế, hồ sơ nộp thuế, số thẻ bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng và những bí mật cá nhân khác.

Bên cạnh đó, họ tên, số điện thoại của bạn cũng thuộc phạm vi dữ liệu cá nhân cơ bản và được pháp luật bảo vệ theo quy định tại Điều 2 và các quy định khác của Nghị định số 13/2023/NĐ-CP cũng như các quy định pháp luật khác có liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chỉ có quy định xử phạt về hành vi vi phạm trong việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân chứ chưa có quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Cụ thể, tại khoản 2 Điều 84 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Nghị định số 14/2022/NĐ-CP thì mức phạt tiền 40-60 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:

– Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân.

– Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân.

– Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.

Mức xử phạt trên đây được áp dụng nếu bên vi phạm trong việc cung cấp trái phép thông tin cá nhân của bạn là tổ chức. Còn nếu bên vi phạm là cá nhân khung xử phạt sẽ giảm một nửa, tức còn từ 20 đến 40 triệu đồng, tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.

Luật sư Ngô Quí Linh

Giám đốc Công ty Luật Mai Đăng Khang