Bí quyết có việc làm ngay sau tốt nghiệp tại New Zealand

Bí quyết có việc làm ngay sau tốt nghiệp tại New Zealand

Trong bối cảnh ngày càng nhiều sinh viên quốc tế xem khả năng làm việc sau tốt nghiệp là yếu tố quan trọng khi chọn điểm đến du học, New Zealand trở thành cái tên được chú ý. Không chỉ nổi tiếng với nền giáo dục hàng đầu thế giới, New Zealand còn thu hút sinh viên nhờ chính sách làm việc sau tốt nghiệp cởi mở và môi trường thân thiện. Cụ thể, mức độ quan tâm đến New Zealand đã tăng hơn 86% (dữ liệu của AECC), và quốc gia này hiện nằm trong top 6 điểm đến du học phổ biến nhất theo ICEF Agent Voice.

Để hiện thực hóa ước mơ làm việc New Zealand, chiến lược cụ thể ngay từ đầu là một bước đi vô cùng quan trọng. Lắng nghe 3 bí quyết từ chính các cựu du học sinh Việt hiện đang làm việc tại New Zealand sẽ giúp bạn dễ dàng hoạch định lộ trình du học hơn trong tương lai.

Chọn ngành học nằm trong danh sách ngành ưu tiên (Green List) để tối ưu hóa cơ hội việc làm

Green List là danh sách ngành nghề đang có nhu cầu nhân lực cao tại New Zealand. Làm việc ở những ngành thuộc Green List là một cách giúp rút ngắn lộ trình xin thị thực cư trú, với những công việc thuộc nhóm ngành có thể nộp đơn thị thực cư trú ngay khi có thư mời làm việc (Straight to Residence) hoặc nhóm công việc có thể nộp trong vòng hai năm sau khi làm việc tại New Zealand (Work to Residence) bên cạnh những tiêu chí về bằng cấp, kinh nghiệm làm việc, mức lương,…

Nguyễn Đức Thắng, Cử nhân Thương mại ngành Hệ thống Thông tin tại Đại học Victoria Wellington, hiện đang là Chuyên viên Phân tích Hiệu suất dịch vụ tại Health New Zealand (hệ thống chăm sóc sức khỏe do Chính phủ tài trợ) chia sẻ sinh viên có thể tham khảo danh sách Green List trên trang web Cục Di trú New Zealand, sau đó thiết lập danh sách công việc đáp ứng năng lực cá nhân, sở thích, đồng thời tham khảo ý kiến từ những người đang làm cùng lĩnh vực. “Cá nhân mình chú trọng mục tiêu tìm ngành phù hợp cùng cơ hội việc làm nên mình đã tham khảo một số người quen sống ở New Zealand và làm trong ngành Hệ thống Thông tin về cơ hội việc làm, tình hình ngành, lộ trình nghề nghiệp để đưa ra quyết định”.

Theo Đức Thắng, sinh viên nên tìm lời khuyên từ người đi trước để đưa ra quyết định phù hợp trong việc chọn ngành

Theo Đức Thắng, sinh viên nên tìm lời khuyên từ người đi trước để đưa ra quyết định phù hợp trong việc chọn ngành

Duy trì điểm trung bình học tập (GPA) cao để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng

Để thu hút nhà tuyển dụng giữa thị trường lao động cạnh tranh, việc duy trì điểm GPA cao là vô cùng quan trọng. Nguyễn Vũ Thảo Nguyên, cử nhân ngành Bất động sản, Đại học Auckland, hiện là Chuyên viên Tư vấn Công nghệ tại công ty kiểm toán EY (New Zealand) chia sẻ: “GPA cao không chỉ giúp bạn nổi bật ở bước đầu quá trình tuyển dụng, đặc biệt khi bạn chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, mà còn là minh chứng cho tính kỷ luật trong học tập“.

Thành tích học tập và ngoại khóa ấn tượng mang đến cơ hội làm việc tại EY - một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới cho Thảo Nguyên

Thành tích học tập và ngoại khóa ấn tượng mang đến cơ hội làm việc tại EY – một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới cho Thảo Nguyên

Thảo Nguyên cho biết thêm, khi còn là sinh viên, bạn luôn lập kế hoạch chi tiết cho từng tuần, phân bổ thời gian giữa các môn học, và tích cực tham gia các buổi học, thảo luận để duy trì điểm GPA cao, đồng thời nắm vững kiến thức.

Tuy nhiên, bạn cũng lưu ý khi đã tiến vào vòng phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ bắt đầu đánh giá cao các yếu tố như kỹ năng mềm, khả năng hòa nhập văn hóa công ty và sự phù hợp với môi trường làm việc. Vì vậy, bên cạnh duy trì GPA, sinh viên cần phát triển toàn diện về kỹ năng cá nhân.

Để đạt được điều này, Thảo Nguyên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tận dụng hỗ trợ từ trường học. “Mình không chỉ dựa vào kế hoạch học tập mà còn tích cực tham gia các buổi tư vấn và chương trình hướng nghiệp của nhà trường. Những hoạt động này vừa giúp mình duy trì GPA, vừa trang bị cho mình những kỹ năng mềm như quản lý thời gian – phẩm chất mà nhà tuyển dụng rất coi trọng”.

Tích lũy kinh nghiệm thực tế liên quan đến ngành học

Trong môi trường học tập quốc tế, tích lũy kinh nghiệm thực tế liên quan đến ngành học là yếu tố then chốt giúp sinh viên cọ xát thực tiễn và tự tin bước vào thị trường lao động.

Hà An Nguyên, cử nhân Thương mại tại Đại học Victoria Wellington, cho hay việc tham gia hoạt động ngoại khóa và làm việc bán thời gian đã giúp cô tích lũy nhiều kỹ năng quan trọng. “Mình không có nhiều trải nghiệm thực tập, nhưng việc tham gia dự án cộng đồng, hoạt động sinh viên đã giúp mình xây dựng những kỹ năng làm việc nhóm và tư duy giải pháp. Ngoài ra, kỹ năng phát biểu trước đám đông, hệ thống hóa thông tin và xây dựng lập luận, suy nghĩ thiên hướng giải pháp – trải nghiệm người dùng cũng hữu ích trong quá trình ứng tuyển và làm việc”, An Nguyên chia sẻ, những kinh nghiệm trên rất cần thiết đối với yêu cầu ngành Quản trị Doanh nghiệp tại công ty kiểm toán KPMG: kiến thức tổng quát nhiều lĩnh vực, khả năng thích ứng và tinh thần hòa đồng.

Kỹ năng thực tế tích lũy từ hoạt động cộng đồng đã giúp An Nguyên tự tin hơn khi đặt chân vào môi trường làm việc quốc tế

Kỹ năng thực tế tích lũy từ hoạt động cộng đồng đã giúp An Nguyên tự tin hơn khi đặt chân vào môi trường làm việc quốc tế

Theo chia sẻ của các cựu sinh viên, người học cần kết hợp nỗ lực cá nhân và chiến lược cụ thể để xây dựng sự nghiệp lâu dài tại New Zealand. Với môi trường học tập và hỗ trợ ưu việt, New Zealand không chỉ cung cấp nền tảng vững chắc mà còn là điểm đến lý tưởng cho sự phát triển nghề nghiệp trong tương lai.

Nhằm mang đến góc nhìn cận cảnh về các ngành nghề thuộc Green List, Cơ quan Giáo dục New Zealand (Education New Zealand – ENZ) sẽ tổ chức chuỗi hội thảo trực tuyến với chủ đề “Muôn nẻo thành công tại New Zealand” với hình thức giao lưu trực tiếp giữa đại diện các trường đại học New Zealand và các cựu sinh viên đang làm việc tại quốc gia này. Để biết thêm thông tin về chuỗi hội thảo, xin vui lòng đăng ký tại: https://bit.ly/NZTalkseries-06

Ngoài ra, bạn đọc cũng có thể theo dõi Facebook Thông tin Giáo dục New Zealand để cập nhật các cập nhật mới về thị thực, học bổng và những nội dung hấp dẫn khác về Ngày hội Du học New Zealand sẽ diễn ra vào tháng 10 sắp tới đây.