Đăng tải trên mạng xã hội các clip “đánh ghen” là vi phạm bí mật đời tư của cá nhân

Trên các mạng xã hội như Facebook, Telegram, Zalo, các clip “đánh ghen” được đăng tải không hiếm và nhận nhiều chia sẻ, bình luận của cộng đồng.
Liệu các hành vi nêu trên có được xác định là vi phạm bí mật đời tư của cá nhân hay không?

Trả lời

Theo khoản 1 Điều 21 Hiến pháp năm 2013, “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.

Như vậy, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình là quyền bất khả xâm phạm được ghi nhận trong Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được pháp luật bảo đảm an toàn.

Cụ thể quyền hiến định này, khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.

Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định nêu trên thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Thực hiện hành vi vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả, người vi phạm bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.

Theo điểm m khoản 3 Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ, “tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một hành vi.

Người chia sẻ clip vi phạm về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội. Khoản 2 Điều 101 của Nghị định này quy định: “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với tổ chức. Nếu cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Trường hợp bị xử lý hình sự, người vi phạm bị xử lý về Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác, được quy định tại Điều 159 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào;

b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông;

c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;

d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật;

đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;

đ) Làm nạn nhân tự sát.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Tóm lại, phát tán clip đánh ghen gây hậu quả nghiêm trọng đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Trường hợp phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, phạm tội 02 lần trở lên, tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác, làm nạn nhân tự sát thì có thể bị phạt tù từ 01 đến 03 năm. Bên cạnh đó, còn có thể bị phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 20 triệu đồng và cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Hùng Phi