Biên phòng – Từ một bản nghèo nhất nhì của huyện Phong Thổ, tỉnh Lao Châu, nhờ phát triển du lịch cộng đồng nên hiện nay, người dân bản Sin Suối Hồ đã có của ăn, của để khi thu nhập bình quân đạt trên 30 triệu đồng/người/năm. Cũng nhờ du lịch cộng đồng mà các ngành nghề thủ công như sản xuất thổ cẩm, chạm khắc bạc, đồ lưu niệm… của bà con các dân tộc thiểu số trong vùng phát triển mạnh mẽ và tạo ra hàng nghìn việc làm cho người dân. Chính vì vậy, bản Sin Suối Hồ đã và đang trở thành điểm sáng trong việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng của tỉnh Lai Châu cũng như của cả nước.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ vận động nhân dân tham gia giữ gìn cảnh quan môi trường bản du lịch sinh thái cộng đồng. Ảnh: Quốc Phong
Bước chuyển mình
Theo chân các chiến sĩ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ, BĐBP Lai Châu, chúng tôi ghé thăm mô hình bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ của bà con dân tộc Mông thuộc xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Giữa khung cảnh nguyên sơ, yên bình của núi rừng Tây Bắc, bản du lịch Sin Suối Hồ hiện ra như một thiên đường du lịch sinh thái với những ngôi nhà gỗ, nhà trình tường truyền thống của đồng bào dân tộc Mông được quy hoạch tổng thể khang trang, sạch đẹp, hoa cỏ các loại được trồng ở khắp nơi. Dọc đường vào bản, mọi biển hiệu, cổng chào, đồ vật được bài trí ngăn nắp, xinh xắn và thân thiện.
Những người có uy tín trong bản cho biết, bản Sin Suối Hồ nằm ẩn mình dưới chân núi Sơn Bạc Mây thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Do được thiên nhiên ưu đãi nên khí hậu nơi đây trong lành, mát mẻ quanh năm. Trước đây, đời sống của bà con ở bản Sin Suối Hồ nghèo nàn, lạc hậu, thường xuyên thiếu ăn trong những ngày giáp hạt. Bên cạnh đó, các tập tục lạc hậu và tệ nạn rất nhiều, đặc biệt là bà con trồng rất nhiều cây thuốc phiện, nên đời sống kinh tế càng gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ nghiện hút cao. Nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng sự tuyên truyền, vận động tích cực của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ, các già làng, trưởng bản và những người uy tín trong bản, nên từ năm 2005 trở lại đây, bà con trong bản đã thay đổi tư duy và đẩy lùi tệ nạn xã hội, hủ tục.
Sau khi xóa bỏ hoàn toàn tệ nạn ma túy tại bản, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ lại cùng với chính quyền địa phương và những người có uy tín tiếp tục vận động bà con xóa bỏ một số tập quán canh tác lạc hậu, di dời chuồng trại xa nhà để đảm bảo vệ sinh, cùng nhau làm đường bê tông, tạo mặt bằng và dần tiếp cận với mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Tiếp đó, để xây dựng đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch, con em trong bản được đưa đi học các ngành nghề liên quan, tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về nhà hàng, khách sạn, nấu ăn, học ngoại ngữ… Bên cạnh đó, bản cũng đã thành lập các đội thuyết minh viên, đội văn nghệ, đội thể thao, đội xe ôm để phục vụ du khách. Sau hơn 10 năm phát triển du lịch cộng đồng, đến nay, trung bình mỗi năm, bản Sin Suối Hồ đón trên 20 nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, du lịch. Tỉ lệ hộ nghèo trong bản còn 34%, bình quân mỗi năm giảm từ 5 – 6%.
Tấm áo mới
Đặt chân đến bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ vào bất cứ mùa nào trong năm, du khách sẽ đều bị cuốn hút bởi phong cảnh hữu tình và những phong tục tập quán truyền thống của người Mông vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Điềm nhấn độc đáo chính là các dãy hàng rào đá được xếp ngay ngắn, chỉ cao tới nửa người hay những căn nhà gỗ, nhà trình tường truyền thống với đặc trưng mát về mùa hè, ấm về mùa đông khiến du khách say mê.
Đến bản Sin Suối Hồ, du khách được tham gia các phiên chợ truyền thống. Ảnh: Quốc Phong
Đến với Sin Suối Hồ, du khách còn được khám phá những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Mông như tham gia chợ phiên, mặc những bộ trang phục truyền thống, giao lưu văn hóa, văn nghệ mỗi tối, hay thưởng thức những món ẩm thực đặc trưng vùng cao như: nộm rau dớn rừng, sâu măng, xôi nếp nương, thịt hun khói, rau cải mèo… Phụ nữ Mông ở bản hiện vẫn mặc, dệt các trang phục truyền thống từ vải lanh và gìn giữ kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải độc đáo được trao truyền qua nhiều thế hệ. Cùng với đó, các nghề truyền thống như thêu thổ cẩm, nấu rượu, đan lát, rèn… cũng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Dù phát triển du lịch dựa trên những bản sắc nguyên sơ vốn có, nhưng ở Sin Suối Hồ, du khách vẫn nhận thấy một phong cách khá hiện đại bởi các dịch vụ như lưu trú, ăn uống đều đầy đủ, chuyên nghiệp và bài bản. Bản được chia thành nhiều khu, được đặt những cái tên độc đáo như Khu hợp tác xã trái tim gồm nhà nghỉ, nhà hàng, bungalow dành cho gia đình; Khu tình yêu đích thực của người Mông; Khu vườn địa lan; Khu bàn tay siêng năng của chị em phụ nữ gắn với hoạt động thêu dệt thổ cẩm của đồng bào Mông; Khu check in chụp ảnh; Khu các công cụ giúp người Mông sinh tồn… Cổng chào vào mỗi homestay trong bản còn được trang trí với nhiều phong cách khác nhau, gắn với các vật dụng sinh hoạt hàng ngày của đồng bào như: cổng búa, cổng giỏ, cổng thừng… Đặc biệt, sản phẩm du lịch mà du khách ấn tượng nhất với nơi này là những phòng nghỉ độc đáo ở trên cây với những cái tên ngộ nghĩnh như tổ ong, tổ ếch, tổ nhím, tổ chim…
Rũ bỏ lớp áo nghèo nàn, lạc hậu ngày nào, giờ đây, Sin Suối Hồ đang khoác lên mình tấm áo mới và đổi thay từng ngày. Vui mừng trước những đổi thay từ chính bàn tay, khối óc của bà con trong bản, ông Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ cho biết, cả bản hiện có 144 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu, 100% đều là người Mông. Hầu hết các hộ gia đình trong bản Sin Suối Hồ đều trực tiếp hay gián tiếp tham gia làm du lịch cộng đồng như nhà nghỉ homestay, bungalow; sản xuất nông nghiệp, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi, trồng hoa địa lan và làm dịch vụ du lịch. Hiện nay, nguồn thu nhập của các hộ gia đình đều tăng từ việc làm du lịch và bán các sản vật của địa phương như cây địa lan, thảo quả, táo mèo, thổ cẩm, sản phẩm làm bằng mây, tre đan… Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/người/năm.
Quốc Phong