Gần đây một số vụ việc camera quay lén đã bị phát giác và đưa lên mạng xã hội với nhiều hoàn cảnh, đối tượng nạn nhân khác nhau. Hành vi quay lén ngày càng nhiều và khó kiểm soát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi nó có thể đặt ở bất cứ đâu
, khiến ai cũng có thể trở thành nạn nhân. Những tổn thương tinh thần mà nạn nhân phải gánh chịu vô cùng nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, danh dự và nhân phẩm. Hơn thế nữa, trong nhiều trường hợp, hình ảnh quay lén còn được sử dụng với mục đích đe dọa, tống tiền, tống tình nạn nhân. Tôi muốn biết việc lắp camera quay lén người khác có vi phạm pháp luật không, lắp camera quay lén người khác bị phạt bao nhiêu tiền? Lắp camera quay lén người khác có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không, bị đi tù bao nhiêu năm? Người bị quay lén có được yêu cầu bồi thường thiệt hại không?
Trả lời:
– Điều 38 Bộ Luật dân sự 2015 quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình như sau:
“1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
– Điều 34 Bộ Luật dân sự 2015 quy định quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín như sau:
1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.
4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.
5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
– Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có quy định như sau:
Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
– Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 sửa đổi Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản có quy định như sau:
“Vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó;
b) Cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba khi chủ thể thông tin cá nhân đã yêu cầu ngừng cung cấp.
2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân;
b) Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân;
c) Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc hủy bỏ thông tin cá nhân do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, các điểm b và c khoản 2 Điều này”.
– Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức: “3. Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định này. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
4. Thẩm quyền phạt tiền quy định tại Chương VIII Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền đối với một hành vi vi phạm của tổ chức; đối với hành vi vi phạm của cá nhân, thẩm quyền phạt tiền bằng 1/2 thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức”.
Theo quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 thì đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc lắp camera quay lén người khác là việc thu thập hình ảnh cá nhân, thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó là hành vi vi phạm pháp luật. Căn cứ theo quy định pháp luật thì hành vi lắp camera quay lén người khác có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu như sử dụng, phát tán hình ảnh cá nhân, thông tin cá nhân của người khác trái pháp luật (Mức phạt trên là mức phạt với tổ chức, mức phạt với cá nhân bằng 1/2 so với tổ chức theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).
Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín. Khi hình ảnh của mình bị xâm phạm, người bị hại có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại bởi cá nhân có quyền với hình ảnh của mình. Do đó, khi có người thực hiện hành vi quay lén nười khác, người bị hại có quyền yêu cầu người thực hiện hành vi xâm phạm uy tín, danh dự… của người khác phải công khai xin lỗi, cải chính và bồi thường thiệt hại. Mức bồi thường sẽ do các bên thỏa thuận. Ngoài ra, người bị thiệt hại còn có thể đòi bồi thường tổn thất tinh thần với mức do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì phải bồi thường tối đa là không quá 10 lần mức lương cơ sở.
Đồng thời, tùy vào hành vi, mức độ cũng như mục đích sử dụng của việc lắp camera quay lén người khác, người vi phạm còn có thể đối mặt với các hình phạt tù theo quy định của Bộ Luật hình sự Trong trường hợp lắp camera quay lén người khác để xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác sẽ bị phạt tù từ 03 tháng – 02 năm do sử dụng phương tiện điện tử để phạm tội; Nếu làm nạn nhân tự sát hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thưởng cơ thể lên đến 61% trở lên thì có thể bị phạt tù từ lên đến 05 năm tù. Ngoài ra còn có thể bị phạt tù về Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy tại Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bởi khoản 124 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 nếu quay lén người khác nhằm phỏ biến hình ảnh, video quay lén có nội dung nhạy cảm.
Như Quỳnh
Đỗ Như Quỳnh