Người thu nhập thấp tại khu vực đô thị có thể được hỗ trợ vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà. Ảnh: Hải Nguyễn
Luật gia Nguyễn Thu Thủy, Công ty Luật TNHH YouMe trả lời:
Khoản 3 và Khoản 4, Điều 110 Luật Nhà ở 2023 (có hiệu lực từ ngày 1.8.2024) quy định về chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở
3. Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để hộ gia đình, cá nhân quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 76 của Luật này tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.
4. Điều kiện để được hỗ trợ vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định cho đối tượng quy định tại khoản 3 Điều này bao gồm:
a) Có đất ở nhưng chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng nhà ở bị hư hỏng, dột nát;
b) Có đăng ký thường trú tại đơn vị hành chính cấp xã nơi có đất ở, nhà ở cần xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa.
Khoản 5 Điều 76 Luật Nhà ở 2023 (có hiệu lực từ ngày 01.08.2024) quy định về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội như sau:
5. Người thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
Như vậy, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị có thể được hỗ trợ vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở nếu có đất ở nhưng chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng nhà ở bị hư hỏng, dột nát và có đăng ký thường trú tại đơn vị hành chính cấp xã nơi có đất ở, nhà ở cần xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa.
Tư vấn pháp luật
Hãy gọi đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0979310518; 0961360559 để nhận được câu trả lời nhanh chóng, kịp thời hoặc gửi email cho chúng tôi: [email protected] để được trả lời.
Chuyên mục được thực hiện với sự hỗ trợ từ Công ty Luật TNHH YouMe.