Đại tá Phạm Đình Ngọc, Trưởng Phòng cảnh sát Hình sự, Công an thành phố Hồ Chí Minh thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Nghiêm Ý.
Theo đó, qua công tác nắm tình hình tại các hội nhóm trên không gian mạng có liên quan đến hoạt động cho, nhận con nuôi, Công an thành phố Hồ Chí Minh phát hiện nhiều thông tin, tài liệu nghi vấn thực hiện hoạt động mua bán trẻ sơ sinh, nên đã xác lập chuyên án đấu tranh, nhằm xác minh, xử lý triệt để các đối tượng trong đường dây tội phạm; đặc biệt là kịp thời “giải cứu” các trẻ sơ sinh là nạn nhân bị mua bán.
Ban Chuyên án đã phát hiện, triệu tập đối tượng Nguyễn Thị Ánh Đào (sinh năm 1989; ở tỉnh Nghệ An) đang nuôi giữ một trẻ sơ sinh nam (3 ngày tuổi) tại một khách sạn ở phường 2, quận Tân Bình. Bước đầu, đối tượng thừa nhận đã dùng thủ đoạn nói dối tìm nhận con nuôi do hoàn cảnh hiếm muộn để liên lạc, nhận nuôi trẻ sơ sinh nêu trên từ chị T.T.T.N, cư trú tại tỉnh Đắk Lắk (mẹ ruột đứa trẻ), nhưng thực chất, Đào để lại cho một cặp vợ chồng tại thành phố Hồ Chí Minh, thu lợi bất chính 40 triệu đồng.
Bắt giữ các đối tượng trong đường dây. Ảnh Công an cung cấp.
Khẩn trương đấu tranh, mở rộng chuyên án, Công an thành phố đã xác định đường dây tội phạm mua bán trẻ sơ sinh dưới hình thức cho, nhận con nuôi được điều hành bởi các đối tượng: Nguyễn Thị Ánh Đào, Hoàng Thị Nhung (sinh năm 1982; ở tỉnh Đồng Nai), Đỗ Thị Thúy Ngân (sinh năm 1994; ở thành phố Hà Nội), Cao Thị Thu Phương (sinh năm 1983; ở tỉnh Hải Dương), hoạt động với quy mô lớn tại 32 tỉnh, thành phố, với sự tham gia, giúp sức của 6 đối tượng môi giới.
Cơ quan chức năng xác định từ đầu năm 2024 đến nay, đường dây tội phạm trên thông qua hội nhóm kín trên mạng xã hội để liên hệ, kết nối với các phụ nữ mới sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng nuôi con để mua 16 đứa trẻ (từ 3 ngày tuổi – 3 tháng tuổi) với số tiền từ 10 triệu đồng – 23 triệu đồng mỗi trẻ; sau đó, bán lại với số tiền từ 35 triệu – 75 triệu đồng mỗi trẻ, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.
Các đối tượng. Ảnh Công an cung cấp.
Đáng chú ý, để hợp thức hóa việc mua bán trẻ sơ sinh dưới hình thức cho, nhận con nuôi, các đối tượng đã móc nối với đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức do Phan Phương Nam (sinh năm 1989; ở tỉnh Đồng Nai) cầm đầu để đặt mua giấy chứng sinh giả, nhằm hợp thức hóa thủ tục cho, nhận con nuôi và đăng ký khai sinh cho các cháu bé bị mua bán.
Khám xét khẩn cấp địa điểm làm giả giấy tờ, tài liệu tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Công an thành phố phát hiện, thu giữ 49 công cụ, phương tiện (máy tính, máy in, máy dập, máy photo, máy ép nhựa, mực in, các loại con dấu, các loại phôi…) và hàng ngàn giấy tờ giả các loại, trong đó có nhiều giấy chứng sinh giả.
Lần theo thông tin từ các giấy chứng sinh giả thu giữ nêu trên, Công an thành phố đã thành lập 9 tổ công tác, khẩn trương xác minh 84 trường hợp trẻ sơ sinh có dấu hiệu bị mua bán tại 32 tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua đó, phát hiện, giải cứu kịp thời các trường hợp trẻ em đã bị mua bán; tiến hành bàn giao, phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho các nạn nhân.
Trong đó, đáng chú ý, công an đã phát hiện, giải cứu một bé trai 20 ngày tuổi bị đối tượng Vi Thị Anh (sinh năm 1986; ở tỉnh Sơn La) mua lại dưới thủ đoạn nhận con nuôi để hoãn chấp hành án phạt tù (đối tượng này đang chờ chấp hành 2 bản án với tổng hình phạt hơn 12 năm 6 tháng tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”).
Chỉ trong thời gian ngắn (chưa đến 30 ngày), kể từ khi phát hiện nguồn tin, Công an thành phố đã triệt phá thành công đường dây mua bán trẻ sơ sinh, làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức, hoạt động tại các hội nhóm kín trên không gian mạng; khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 16 đối tượng.