28/08/2024 05:11
(PLVN) – Trong những năm gần đây, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã tạo đòn bẩy hỗ trợ người lao động tại địa phương có điều kiện khởi nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất, phục hồi các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, phát triển kinh doanh, hạn chế tình trạng thất nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội.
Xác định chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay giải quyết việc làm là một trong những chương trình mang tính thiết thực, thúc đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững, hạn chế tình trạng thất nghiệp và đảm bảo an sinh trên địa bàn thành phố, NHCSXH TP Huế luôn chủ động phối hợp với UBND các phường, xã, tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về những quy định mới để người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay.
Đồng thời, hàng năm căn cứ vào nguồn vốn tín dụng từ cấp trên giao, đẩy nhanh việc thu hồi các khoản vay đến hạn để tổ chức giải ngân vốn đến các đối tượng lao động có đủ nhu cầu vay, nhất là thanh niên, phụ nữ khởi nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Từ nguồn vốn cho vay đã hỗ trợ tạo việc làm, tạo điều kiện cho nhiều người lao động trong các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh của hộ gia đình thiếu vốn sản xuất có thêm kinh phí đầu tư thêm máy móc, thiết bị, cây, con giống, chuồng trại chăn nuôi… Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp của người lao động trên địa bàn thành phố.
Từ nguồn vốn cho vay đã tạo điều kiện cho nhiều người lao động tại TP Huế có thêm kinh phí khởi nghiệp hay đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, trồng trọt…
Xưởng đúc đồng của anh Nguyễn Văn Ngọ (tổ 8, phường Đúc, TP Huế) là một trong những đơn vị được vay vốn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Năm 2021, gia đình anh Nguyễn Văn Ngọ được vay 50 triệu đồng từ chương cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại NHCSXH TP Huế để đầu tư, mở rộng cơ sở đúc đồng của gia đình. Đến nay, anh đã có một xưởng đúc khang trang, sản xuất các sản phẩm truyền thống đặc trưng như: Lư đồng, bát hương, tam sự, ngũ sự, chuông, cồng, chiêng…
“Nhờ có xưởng đúc nên hiện nay kinh tế gia đình tôi ổn định, mỗi năm sau khi trừ chi phí, nhân công, tôi lãi khoảng từ 300- 400 triệu đồng. Ngoài ra, xưởng đúc cũng tạo thêm công ăn việc làm cho 3 lao động tại địa phương” – anh Ngọ phấn khởi nói.
Cũng như anh Ngọ, phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền Quang Thành Đức của anh Lê Viết Quang (SN 1994, xã Phú Mậu, TP Huế) sau hơn 1 năm thụ hưởng nguồn vốn vay từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với số tiền vay 100 triệu đồng, anh Quang đã đầu tư nhập thêm thuốc, thiết bị y tế để phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Với cơ sở được đầu tư bài bản, đến nay, phòng khám đã có lượng khách ổn định, từ đó mang lại nguồn thu nhập cho gia đình.
Một phiên giao dịch định kỳ hàng tháng tại xã Phú Mậu, TP Huế.
Theo bà Nguyễn Thị Yến – Phó Trưởng phòng, Phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế, phụ trách tín dụng tại Hội sở tỉnh cho biết, từ đầu năm đến ngày 15/8/2024, NHCSXH TP Huế đã tạo việc làm cho 996 lao động, với doanh số cho vay gần 59 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ của chương trình này lên 203,1 tỷ đồng, tăng so với đầu năm là 14,4 tỷ đồng, tăng trưởng 7,6%, số khách hàng đang còn dư nợ là 4.846 khách hàng.
Cùng với nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm được phân bổ từ Trung ương, hàng năm NHCSXH TP Huế đã được UBND thành phố quan tâm trích một phần ngân sách chuyển sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay giải quyết quyết việc làm trên địa bàn thành phố. Lũy kế ngân sách thành phố đã chuyển sang đến nay là 24 tỷ đồng (trong năm 2024 là 5 tỷ đồng).
Tuy nhiên, nguồn vốn cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người lao động. Theo khảo sát của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP Huế, cuối năm 2023, số lao động thất nghiệp trong độ tuổi lao động trên địa bàn gần 3.000 người.
Ngoài ra, trên địa bàn vẫn còn nhiều hộ làm nông nghiệp, buôn bán, sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, ngành nghề manh mún. Việc chuyển đổi nghề mới, phục hồi các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tại địa phương… còn khó khăn để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ.