Từ nay đến cuối tháng 8 sẽ diễn ra các buổi đấu giá hơn 1.000 lô đất tại TP. Thanh Hóa, các huyện Đông Sơn, Yên Định, Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hoá.
Phân khúc đất đấu giá đang thu hút sự chú ý của dư luận và nhà đầu tư.
Cụ thể, vào ngày 24/8, UBND huyện Yên Định và Công ty Đấu giá hợp danh Số 5 – Quốc gia sẽ tổ chức đấu giá 106 lô đất tại khu dân cư Khu 3, thị trấn Quán Lào (đợt 1). Các lô đất có diện tích từ 87-335m2, đều là đất ở lâu dài, đã đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh. Giá khởi điểm khoảng 8 triệu đồng/m2, tương đương từ 693 triệu đồng đến hơn 2,6 tỷ đồng/lô. Tổng giá khởi điểm của các đô đất gần 102 tỷ đồng. Cuộc đấu giá sẽ bỏ phiếu trực tiếp tại Hội trường UBND thị trấn Quán Lào.
Ngày 26/8, hơn 200 lô tại xã Hoằng Đại, TP Thanh Hóa cũng được đưa ra đấu giá. Các lô đất có diện tích 96-156m2, khởi điểm 4-7,6 triệu đồng/m2. Đây đều là đất ở nông thôn, sở hữu lâu dài. Cuộc đấu giá sẽ diễn ra theo hình thức bỏ phiếu gián tiếp, phương thức trả giá lên. Địa điểm diễn ra đấu giá tại Hội trường UBND xã Hoằng Đại.
Cùng ngày, gần 160 lô đất tổng diện tích gần 23.000m2 thuộc thị trấn Rừng Thông sẽ được UBND huyện Đông Sơn đấu giá để thực hiện dự án Khu dân cư mới OM7. Giá khởi điểm các lô hơn 253 tỷ, tiền đặt trước gần 51 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, 240 lô đất để làm dự án Khu dân cư mới và dịch vụ phía Nam Quốc lộ 47 huyện Đông Sơn cũng được đưa ra đấu giá. Tổng diện tích đất đấu giá hơn 29.000m2, gồm 208 lô đất ở, 32 lô biệt thự thuộc thị trấn Rừng Thông và xã Đông Thịnh. Tổng giá khởi điểm khu đất gần 199 tỷ đồng.
Cả hai phiên tại huyện Đông Sơn đều đấu giá trọn gói, bỏ phiếu trực tiếp không giới hạn vòng đấu đến khi tìm được người trả giá cao nhất.
Ngày 30/8, Công ty đấu giá Nhất An Phú sẽ tổ chức đấu giá 316 lô đất tại phường Thiệu Dương, TP Thanh Hóa. Các lô đất có diện tích từ 69-136m2, đều là đất ở đô thị sử dụng lâu dài. Giá khởi điểm từ 6,5-10,5 triệu đồng/m2. Tiền đặt trước từ 94 triệu đến 233 triệu đồng mỗi lô.
Trước đó, hai phiên đấu giá tại huyện ngoại thành Hà Nội là Thanh Oai và Hoài Đức đã gây xôn xao dư luận khi giá trúng đấu giá đạt hơn 100 triệu đồng/m2, đội giá cao từ 7-18 lần so với giá khởi điểm. Mức giá này được cho là ảo bởi khu đất nằm ở vùng ven đô, thưa vắng lại có giá ngang ngửa một số quận hạ tầng phát triển, dân cư đông đúc tại Hà Nội.
Thậm chí còn cao hơn bảng giá đất nhiều khu vực tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng…
Cụ thể, theo bảng giá đất, giá đất cao nhất của thành phố thuộc về quận Hoàn Kiếm với 187,9 triệu đồng/m2. Mức giá này tương ứng với vị trí 1, gồm các đường Lê Thái Tổ, đường Hàng Ngang, đường Hàng Đào.
Đường Trần Hưng Đạo (Từ Trần Thánh Tông- Lê Duẩn), Phố Huế có giá đất là 114 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trúng đấu giá cao nhất tại Hoài Đức.
Nhiều khu vực khác tại quận Hoàn Kiếm có giá đất từ 90-98 triệu đồng/m2, như Hàng Mã, Lý Nam Đế, Nguyễn Hữu Huân… thấp hơn mức trúng đấu giá ở cả Đan Phượng và Thanh Oai.
Bảng giá đất tại các quận Ba Đình là 132,6 triệu đồng/m2, Hai Bà Trưng 106,7 triệu đồng/m2, Đống Đa 92,8 triệu đồng/m2, Tây Hồ 78,8 triệu đồng/m2.
Một số môi giới cho biết, nhiều lô đất sau khi trúng đấu giá đã được gửi bán chênh từ 250-600 triệu đồng/lô.
Trước tình trạng này, giới chuyên gia khuyên người mua nên tìm hiểu và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi xuống tiền, tránh rơi vào hiệu ứng đám đông như câu chuyện đợi đấu giá đất xuyên đêm tại Hoài Đức vừa qua.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ Việt Nam (EZ Property) cho rằng, hạ tầng, vị trí là những yếu tố tiên quyết quyết định giá của bất động sản. Do đó, việc giá khu đất đặt giữa đồng không mông quạnh, hạ tầng chưa đồng bộ lại cao ngang ngửa giá một số quận trung tâm là sự bất thường và vô lý. Điều này có thể gây nhiễu loạn thị trường bởi tình trạng thổi giá, tạo mặt bằng giá mới để hưởng chênh sẽ dẫn đến những hệ luỵ mà người dân có nhu cầu thực là đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất. Công tác thu hồi đất của Nhà nước cũng có thể gặp khó khăn do người dân phản ứng vì chênh lệch quá lớn khi nhìn vào đất đấu giá.