Giá đất vùng ven Hà Nội từ 7 triệu đồng/m2 sau đấu giá đã chạm ngưỡng hơn 133 triệu đồng. Nhiều người lắc đầu ngao ngán, cho rằng đất ngáo giá. Tuy nhiên, người trong cuộc lại có những lý lẽ riêng của mình.
Giá đất huyện ngoại thành Hà Nội được đẩy lên gấp 18 lần chỉ sau một cuộc đấu giá
Giá cao nhưng hợp lý?
Tối 19/8, phiên đấu giá 19 thửa đất thuộc xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức (TP. Hà Nội) chính thức bắt đầu. Đơn vị tổ chức đấu giá cho biết, đã có hơn 700 hồ sơ đăng ký đấu giá để sở hữu 19 lô đất này. Mức giá khởi điểm chỉ từ 7,3 triệu đồng/m2.
Phải mất hơn 19 tiếng, nghĩa là đến rạng sáng ngày 20/8, phiên đấu giá đặc biệt này mới kết thúc. Giá trúng cao nhất 133,3 triệu đồng/m2, thấp nhất 91,3 triệu đồng/m2. Mức chênh lệch giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá gấp 18 lần.
Ngay sau khi chứng kiến cảnh hàng trăm người thức trắng đêm để dành 19 thửa đất với giá cao ngất ngưởng. Nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là chiêu trò của đội nhóm, tạo sóng thị trường đầu cơ.
Tuy nhiên, chủ nhân của các thửa đất trong phiên đấu giá đều có những lý do của riêng mình trước khi đưa ra quyết định.
Anh Ngọc, người chiến thắng 2 lô đất trong phiên đấu giá cho biết, với mức giá hơn 91 triệu đồng/m2, hai lô đất của anh nằm trong nhóm thấp nhất trúng đấu giá.
Anh Ngọc thừa nhận, mặc dù giá cao hơn so với thực tế, nhưng vẫn nằm trong tầm khả năng của anh. Anh có nhiều lý do để tham gia cuộc đấu giá đất và cho rằng mức trúng đấu giá trên là có cơ sở.
Theo anh Ngọc, trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, các hoạt động kinh doanh tại nhiều lĩnh vực ì ạch, thậm chí phá sản thì lựa chọn bỏ tiền vào đất là hợp lý.
Đặc biệt, trong dịp đầu năm nay, các lô đất nền của anh mua trước đây đã bán ra được với giá khá cao, có lời. Một số khách hàng vẫn đang dò hỏi để mua thêm. Điều này tạo thêm niềm tin để anh tham gia cuộc đấu giá đất.
Anh Ngọc cũng cho biết, nền kinh tế trong thời gian tới vẫn còn khó đoán, các biến động chính trị, chiến tranh trên thế giới vẫn khó lường. Do đó, đầu tư nhà đất vẫn là kênh trú ẩn tài sản an toàn.
Anh Hoàng, một người trúng đấu giá cũng chia sẻ, nếu không tìm hiểu kỹ mà chỉ nhìn vào giá thì nhiều người sẽ cho rằng quá cao. Tuy nhiên, không phải tự nhiên mà có mức giá đó.
Nhà đầu tư này cho rằng, những lô đất trúng đấu giá nằm ở khu vực đường Vành đai 4 sẽ đi qua. Trong vài năm tới, viễn cảnh những khu đô thị với các tòa nhà cao tầng chạy dọc đại lộ này sẽ thành hình. Lúc đó, nhìn lại mức giá như hiện nay có khi lại còn rẻ.
Ngoài ra, thông tin các huyện sẽ lên quận cũng là động lực quan trọng trong đầu tư bất động sản. Bên cạnh đó, theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản mới thì nhiều khu vực sẽ không được phân lô bán nền. Do đó, trong thời gian tới phân khúc đất nền sẽ lại càng khan hiếm.
Theo nhận định của một số nhà đầu tư, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đấu giá nhiều thửa đất ở các huyện vùng ven. Dự kiến những phiên đấu giá đất này tiếp tục thu hút nhiều người tham gia và mức trúng đấu giá cũng tăng cao.
Được gì, mất gì?
Theo nhiều chuyên gia bất động sản, những phiên đấu giá đất với giá trúng đấu giá cao bất thường ở Hoài Đức hay một số khu vực khác ở Hà Nội trong thời gian gần đây diễn ra theo kịch bản không mới.
Theo đó, cuộc đấu giá đất này chủ yếu thu hút sự tham gia của các đội nhóm. Họ là những nhà đầu tư với nhiều mục đích.
Những thông tin thường được vận dụng trong các cuộc đấu giá này bao gồm các dự án hạ tầng giao thông đang và sẽ triển khai, quy hoạch huyện lên quận… để vẽ ra bức tranh giàu tiềm năng, đánh vào tâm lý “fomo” của nhiều người.
Ngay sau các phiên đấu giá, mặt bằng giá bất động sản quanh khu vực cũng sẽ đẩy lên. Không ít người tham gia trong các cuộc đấu giá trước đó có thể đã “ôm” số lượng lớn đất ở đây. Đây là “chiêu” thường thấy trong các cơn sốt đất ảo.
Một nhà đầu tư cho biết, những phiên đấu giá đất với mức giá trên trời chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ các nhà đầu tư, đầu cơ. Tuy nhiên, hệ lụy để lại về lâu dài cho nhà nước, xã hội lại rất lớn.
Theo người này, thông thường các phiên đấu giá có mức giá trúng cao bất thường thì sau đó đa phần đều bỏ cọc. Điều này khiến các cuộc đấu giá gặp khó khăn, phải tổ chức lại nhiều lần, nhà nước không bán được đất để có nguồn lực đầu tư hạ tầng công cộng.
Đặc biệt, các cuộc đấu giá này sẽ đẩy mặt bằng giá nhà đất chung lên cao khiến cơ hội tiếp cận mua nhà của phần lớn người dân ngày càng khó khăn.
“Việc giá nhà đất ngày càng xa vời so với thu nhập khiến người dân, nhất là những lao động trẻ ở các đô thị lớn nản chí trong ước mơ an cư lạp nghiệp. Qua đó, tạo ra nhiều vấn đề an sinh cho xã hội”, nhà đầu tư cho biết.
Thủ tướng chỉ đạo chấn chỉnh đấu giá đất
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 82 ngày 21/8/2024 chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất.
Công điện nêu rõ vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2024, trong đó có quy định về việc đấu giá quyền sử dụng đất.
Một số địa phương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đạt kết quả, góp phần bổ sung nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm (có trường hợp cao bất thường được cơ quan thông tin đại chúng phản ánh) đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, có thể tác động đến phát triển kinh tế – xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh và thị trường nhà ở, Bất động sản.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất đai, lành mạnh hóa thị trường Bất động sản, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.