Trang trại nuôi nhím rộng hơn 100m2 với 100 chuồng nuôi của gia đình anh Nguyễn Văn Nhàn (SN 1984) nằm ở khoảnh đồi thôn Phú Thượng 1, xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Anh Nhàn cho biết, 3 năm qua, mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Vốn sinh ra ở huyện miền núi, học xong cấp 2, anh Nhàn ở nhà làm nông nghiệp cùng bố mẹ. Sau này, khi lập gia đình, anh khởi nghiệp với mô hình nuôi lợn mán, dúi, cầy hương nhưng thu nhập không đáng kể.
Khu vực chuồng nuôi nhím của gia đình anh Nhàn (Ảnh: Thanh Tùng).
Đến năm 2009, trong một lần nghe đài, anh Nhàn thấy mô hình nuôi nhím đem lại hiệu quả kinh tế cao nên đã mua vài con về nuôi thử nghiệm.
Từ vài con giống ban đầu, anh Nhàn bắt đầu nhân đàn. Sau nhiều năm, anh sở hữu trại nhím khoảng 300 con.
“Tôi bắt đầu mở rộng mô hình, xuất bán nhím giống và thương phẩm ra thị trường từ năm 2021. Hiện nay, tôi tập trung sản xuất nhím giống để bán cho bà con, trung bình mỗi năm bán ra thị trường khoảng 300 con”, anh Nhàn nói.
Anh Nhàn cho biết, nhím sau khi nuôi khoảng 12-15 tháng sẽ sinh sản, mỗi năm 2 lứa. Hiện trang trại nhím của anh có hơn 100 nhím mẹ, mỗi năm sinh sản khoảng 300 con, với giá bán giá 1,3 triệu đồng/con, trừ chi phí anh thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm. Thị trường chủ yếu ở Thanh Hóa và các tỉnh lân cận như Nghệ An, Ninh Bình.
Chàng nông dân 8x phấn khởi vì mô hình nuôi nhím đem lại hiệu quả kinh tế cao (Ảnh: Thanh Tùng).
Theo anh Nhàn, nuôi nhím đem lại lợi nhuận kinh tế cao nhưng không tốn quá nhiều công chăm sóc. Không chỉ vậy, chi phí thức ăn, đầu tư chuồng trại để nuôi loài vật nhút nhát này rất thấp.
“Một chuồng nuôi nhím chỉ rộng khoảng 1m2. Với diện tích 100m2 khoảnh đồi sau nhà, tôi tận dụng xây khoảng 100 chuồng nuôi với chi phí khoảng 100 triệu đồng. Nhím là loài gặm nhấm, thức ăn chủ yếu là thân cây chuối, rau, củ quả. Đây là những nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương. Vì vậy, chi phí thức ăn cho nhím tại trang trại rất thấp”, anh Nhàn cho hay.
Cũng theo chủ trại nhím, mỗi ngày anh chỉ bỏ ra khoảng 30 phút để cho nhím ăn và vệ sinh chuồng trại. Đặc biệt, đây là loài vật có kháng thể tốt, ít dịch bệnh, vì vậy mà suốt nhiều năm nuôi nhím, anh chưa từng vấp phải những thất bại từ dịch bệnh.
“Nhím là loài vật nhút nhát, mỗi ngày chỉ ăn một lần và không có dịch bệnh, đặc biệt nhím không gây tiếng ồn như các vật nuôi khác. Một con nhím trưởng thành có trọng lượng khoảng 7-15kg”, anh Nhàn nói.
Những con nhím chuẩn bị được anh Nhàn xuất bán ra thị trường (Ảnh: Thanh Tùng).
Ông Ngô Xuân Thân, Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, cho biết địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là các mô hình nuôi con đặc sản.
Nói về mô hình nuôi nhím của gia đình anh Nhàn, ông Thân cho biết đây là mô hình đầu tiên ở địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
“Anh Nhàn là gương kinh tế điển hình ở địa phương. Ngoài mô hình nuôi nhím, tại địa phương đang có một số mô hình tương tự như nuôi dúi, hươu. Đây là những điểm nổi bật và có hướng đi mới trong nông nghiệp.
Tuy nhiên, nghề nuôi nhím, hay dúi phải xuất phát từ đam mê và có kinh nghiệm, vì vậy chúng tôi vẫn chưa thể nhân rộng mô hình này đến nhiều người dân trên địa bàn”, ông Thân nói.