Cảnh giác khi tìm việc
Theo thạc sĩ tâm lý, chuyên gia kỹ năng sống Vũ Diệu My (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), sinh viên nói chung, tân sinh viên nói riêng, thường có nhu cầu tìm việc làm thêm để trang trải cuộc sống. Từ đó, dễ bị những kẻ xấu dụ dỗ bằng các chiêu lừa như “việc nhẹ lương cao”.
“Sinh viên được các trường thường xuyên cảnh báo về thủ đoạn này, nhưng các bạn tân sinh viên còn ít kinh nghiệm, thiếu cảnh giác nên dễ sập bẫy”, bà My nói.
Chuyên gia này khuyến cáo: “Cần tuyệt đối nói không với những chiêu dụ “việc nhẹ lương cao”, “không cần bằng cấp, kinh nghiệm”, “giờ giấc thoải mái”… Không nên nhẹ dạ cả tin, đừng bao giờ ứng tuyển vào những đơn vị không có tên, địa chỉ rõ ràng”.
Để không trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo việc làm, bà My nhắn nhủ tân sinh viên cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ về hoạt động cũng như tính pháp lý của các công ty trước khi ứng tuyển. “Nếu có nhu cầu tìm việc làm thêm, các bạn nên tìm đến những ngày hội việc làm do các trường hoặc các đơn vị uy tín thường tổ chức”, bà chia sẻ thêm.
Cần tìm hiểu kỹ thông tin về các công ty trước khi ứng tuyển, phỏng vấn để tránh bị lừa đảo
Ông Lê Thanh Hải, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty TNHH Ministop VN, cho biết trong thời gian qua đã có nhiều người mạo danh Ministop để tuyển dụng rồi lừa tiền sinh viên. Hình thức lừa đảo là đăng thật nhiều đầu việc, đưa ra mức thu nhập cao, yêu cầu người có nhu cầu tìm việc phải đóng rất nhiều loại phí, rồi sau đó kiếm cớ để chiếm đoạt tiền.
Ông Hải khuyên nếu sinh viên muốn làm thêm tại các cửa hàng tiện lợi Ministop nói riêng và các đơn vị uy tín khác nói chung, có thể đến trực tiếp các cửa hàng, doanh nghiệp… để xác thực, tìm hiểu quy trình tuyển dụng. Cần cảnh giác trước những thông tin mạo danh các công ty, tuyển dụng sai sự thật đang nhan nhản trên mạng xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn (Phòng Truyền thông và Công tác sinh viên, Phân hiệu Trường ĐH Thủy lợi TP.HCM) cũng chia sẻ tân sinh viên muốn tìm việc làm thêm phù hợp, có thể liên hệ Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM, Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM…
“Sẽ không có công việc nào dễ dàng mà mức lương cao. Vì thế, tân sinh viên cần cảnh giác, đề phòng trước những thông tin tuyển dụng như vậy. Nên tham khảo ý kiến của người thân, bạn bè, sinh viên khóa trên, giảng viên… trước khi ứng tuyển vào bất kỳ công việc nào. Ngoài ra, nên làm thêm những công việc liên quan ngành học để có thêm kinh nghiệm, kỹ năng”, ông Sơn khuyên.
Để không sập bẫy lừa đảo đa cấp
Theo luật sư Nguyễn Trọng Hiếu, Đoàn luật sư TP.HCM, lừa đảo đa cấp hiện nay vẫn diễn ra khá phức tạp. Với tân sinh viên, những người chưa có nhiều kỹ năng sống, kỹ năng nhận diện lừa đảo… nguy cơ trở thành nạn nhân lại càng cao.
Luật sư Hiếu cho biết kinh doanh đa cấp được pháp luật Việt Nam cho phép trong trường hợp đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, được thực hiện theo trình tự, thủ tục luật định. Tuy nhiên, vẫn có những cá nhân, tổ chức sử dụng nhiều thủ đoạn lừa đảo đa cấp để chiếm đoạt tiền của người khác, chứ không phải là hoạt động kinh doanh đa cấp theo quy định pháp luật.
Tân sinh viên nên đến những ngày hội việc làm do trường hoặc các đơn vị uy tín tổ chức để tìm việc làm thêm
Luật sư Hiếu đưa ra một số ví dụ về thủ đoạn lừa đảo đa cấp, như lôi kéo nạn nhân tham gia góp vốn với số tiền ban đầu rất nhỏ, với cam kết sẽ tạo ra lợi nhuận cao gấp nhiều lần. Sau đó kẻ lừa đảo yêu cầu nạn nhân vận động bạn bè, người thân tham gia để cùng hưởng lợi. Số tiền hoa hồng cao hay thấp tùy thuộc vào số lượng người mà nạn nhân có thể lôi kéo tham gia mạng lưới đa cấp.
“Những kẻ lừa đảo luôn nói rất nhiều về hoa hồng, lợi nhuận khiến nạn nhân tin tưởng, trở nên mù quáng. Tuy nhiên thực tế thì mạng lưới đa cấp ấy không hề có đầu tư kinh doanh, chẳng có sản phẩm để kinh doanh hoặc sản phẩm bán ra không như lời quảng cáo”, luật sư Hiếu nói.
Cũng theo luật sư Hiếu, kẻ lừa đảo có thể yêu cầu nạn nhân đặt cọc, mua hàng hóa của doanh nghiệp để bán. Khi đã đặt cọc tiền, nạn nhân không có quyền rút vốn khỏi hệ thống. Song song đó, nạn nhân liên tục được khuyến khích, động viên tăng thêm tiền đặt cọc vào hệ thống, cùng lời đe dọa nếu không sẽ không thể nhận lại tiền đặt cọc.
“Những kẻ lừa đảo đa cấp thường tổ chức nhiều cuộc hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm làm giàu, đầu tư nhanh có lời… cũng như tuyển dụng cộng tác viên, nhân viên”, luật sư Hiếu nói thêm.
Ông Hiếu khuyên: “Tân sinh viên cần cảnh giác với những chiêu trò kêu gọi góp tiền lấy lợi nhuận, tìm kiếm người tham gia cùng để lấy lợi nhuận, hoa hồng. Các bạn cần tìm hiểu về hình thức kinh doanh đa cấp trái pháp luật để nâng cao nhận thức của bản thân. Nếu phát hiện có những dấu hiệu nghi ngờ trong kinh doanh của các đơn vị, cá nhân, tổ chức, cần báo với cơ quan chức năng”.
Nguyễn Thị Thu Hà, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, chia sẻ kinh nghiệm: “Vào đầu năm học, những người hoạt động kinh doanh đa cấp trái quy định pháp luật thường “đóng đô” ở xung quanh các trường để tiếp cận tân sinh viên. Nếu nhẹ dạ cả tin vào những lời hứa hẹn “thu nhập cao”, “hoa hồng khủng” thì rất dễ sập bẫy. Đã từng có những trường hợp bạn bè của mình học tại TP.HCM rơi vào vòng xoáy đa cấp”.
Theo Trần Thị Thùy Ngân, sinh viên Trường ĐH Công thương TP.HCM: “Khi tìm việc làm thêm, thay vì tìm thông tin dán ở bến xe, cổng trường, cổng ký túc xá…, các bạn nên đến trực tiếp các công ty để hỏi về nhu cầu tuyển dụng, nộp hồ sơ. Trước khi xin việc vào bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng để xem đó có phải là công ty “ma” hay không. Cũng đừng quên tham khảo trên các hội, nhóm việc làm để biết liệu công ty có bị dính “phốt” quỵt tiền nhân viên, lừa đảo… hay không”.