“Nhân sự… âm thầm”
Sau 4 năm làm trong lĩnh vực nhân sự, chị Nguyễn Thị Trang (Hà Nội) tiếp xúc với vô vàn người lao động ở các trình độ khác nhau mà dù ở “phân khúc” nào cũng có không ít ứng viên thiếu kỹ năng trong quá trình xin việc.
Theo quy trình, người tuyển dụng sẽ lọc CV (hồ sơ xin việc), chọn ra hồ sơ chất lượng. Tiếp đó, nữ nhân viên bộ phận nhân sự sẽ gọi điện cho ứng viên và gửi email hẹn phỏng vấn.
Tuy nhiên, sau khi đồng ý gặp gỡ nhà tuyển dụng, không ít lao động đã “bùng” phỏng vấn vào gần giờ hẹn. “Nhiều bạn không đến hoặc đi muộn trong ngày phỏng vấn nhưng cũng không có một lời gửi đến nhà tuyển dụng”, chị Trang chia sẻ.
Nữ chuyên viên nhân sự Nguyễn Thị Trang đã gặp nhiều ứng viên “bùng” phỏng vấn (Ảnh: NVCC).
Nhiều bạn trẻ chấp nhận thử việc. Tuy nhiên, vài ngày sau, họ có thể “một đi không trở lại”. Điều đáng nói, những người bỏ việc giữa chừng này cũng không hề có thông tin phản hồi, thông báo đến nhà tuyển dụng.
“Trong các trường hợp, chúng tôi cố gắng liên hệ người lao động. Tôi sẽ gọi ứng viên 3 cuộc ở 3 thời điểm khác nhau và thường thì đầu dây bên kia không nhấc máy, cũng không có tin nhắn phản hồi”, nữ nhân viên tuyển dụng kể.
Qua thời gian va vấp với việc tuyển người, chị có thể chia ứng viên thành hai phân khúc, là các bạn trẻ vừa ra trường hoặc mới chỉ có 1-2 năm kinh nghiệm và lao động đã từng có tầm 9-10 năm trải nghiệm đi làm.
Với hai nhóm này, chị Trang nhận định, các nhân sự khác nhau từ quy trình lấy thông tin tuyển dụng, tư vấn, nộp CV, đến cả lúc phỏng vấn và tới thử việc. Chính vì vậy, với mỗi nhóm nhân sự đích, nhân viên phòng hành chính nhân sự cần có những cách tuyển dụng phù hợp mới có thể săn được lao động tốt cho công ty.
Làm gì để tạo ấn tượng cho nhà tuyển dụng?
Chị Phạm Phương Thảo, Trưởng phòng Tuyển dụng John Hunt cho biết, liên quan đến khâu lọc CV, chị đã gặp trường hợp ứng viên nhận góp ý xong mất tích hoặc có chỉnh sửa CV theo gợi ý nhưng không có lấy một câu cảm ơn.
Tuy nhiên, theo chị Thảo, những ứng viên có thái độ chưa chuẩn mực không phải số nhiều. Liên quan đến chuẩn bị CV, nữ chuyên viên “săn đầu người” nhớ lại cách đây không lâu đã nổ ra tranh cãi có nên đưa thông tin về công việc làm thêm tay chân từng tham gia vào hồ sơ xin việc hay không?
Theo chị này, khi làm bất kỳ công việc gì, ở đâu, ứng viên cũng nên liệt kê vào hồ sơ xin việc. Bởi, quá trình làm việc cho mỗi cá nhân, tổ chức, người lao động đều có những bài học cho riêng mình.
Ví dụ như làm phục vụ tại quán cà phê cũng giúp lao động học được cách giao tiếp, xử lý tình huống, tư duy dịch vụ khách hàng.
Người lao động chuẩn bị CV kĩ lưỡng sẽ tạo ấn tượng cho nhà tuyển dụng (Ảnh: Thanh Bình).
CV là sự khởi đầu, tạo ấn tượng của lao động đối với nhà tuyển dụng. Chính vì vậy, chị Thảo đưa ra lời khuyên, người lao động cần quan tâm về hình thức, diễn đạt, chính tả, bố cục trình bày hợp lý, trực quan… để thể hiện sự chỉn chu, có đầu tư nội dung cho hồ sơ xin việc của mình.
Lao động nên liệt kê thành tích học tập, những dự án đã tham gia, những khóa học, kiến thức tự học và các hoạt động ngoại khóa khác…. một cách có chọn lọc, phục vụ cho công việc mà mình muốn ứng tuyển… Dẫu sao, vượt qua vòng lọc CV cũng là thành công ban đầu của người lao động.
Nhận định về thị trường lao động hiện nay, nữ nhân viên phòng nhân sự Phạm Phương Thảo cho rằng, một số ngành đã khởi sắc nhưng nhìn chung thị trường vẫn đang khó khăn.
Vì vậy, các doanh nghiệp muốn tuyển nhân sự đa nhiệm, đáp ứng được công việc ngay. Cho nên, không ít sinh viên mới ra trường khó khăn với việc tìm kiếm, tiếp cận cơ hội, đặc biệt là những ứng viên chưa có kinh nghiệm thực tập.
Chị Thảo đưa ra lời khuyên cho nhóm này là cần nâng cao kỹ năng mềm, ngoại ngữ, công nghệ, khả năng phân tích dữ liệu, khai thác, sử dụng AI… thay vì chỉ có thành thạo một số phần mềm cơ bản. Bên cạnh đó, ứng viên trẻ nên linh hoạt hạ tiêu chí để có cơ hội trải nghiệm, thực hành trong các doanh nghiệp.