Nhật Bản là quốc gia thường xuyên bị đe dọa bởi các thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần, các cơn bão và núi lửa phun trào. Mỗi khi thảm họa xảy ra, người dân khó tiếp cận các nguồn nhu yếu phẩm, điện, nước sạch… Nhiều người buộc phải rời khỏi nhà để sơ tán đến nơi an toàn.
Do đó, trong nhà của người Nhật luôn có sẵn một chiếc ba lô cho trường hợp khẩn (ba lô khẩn cấp), chứa những vật phẩm có thể giúp họ sống sót trong vài ngày.
Bên trong ba lô khẩn cấp của lao động Việt tại Nhật Bản (Clip: NVCC).
Trước khi sang Nhật 6 năm trước, Phạm Minh Thắng (quê Tây Ninh) cũng được trang bị những kiến thức này. Ban đầu, nam lao động thấy không cần thiết bởi vùng Kansai – nơi anh sinh sống nằm ở thung lũng, gần núi, và ít khi xảy ra động đất mạnh.
“Chuẩn bị ba lô khẩn cấp là một trong những kiến thức cơ bản tôi được học trước lúc sang Nhật để chuẩn bị khi có tình huống cấp bách. Ban đầu, tôi thấy nó chưa cần, nhưng nhìn lại trận động đất và sóng thần năm 2011, cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người, chiếc ba lô thật sự rất quan trọng”, Thắng chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Những ngày qua, khi Chính phủ Nhật Bản liên tục cảnh báo nguy cơ sẽ có một trận siêu động đất xảy ra, Thắng đã làm clip với nội dung “Chuẩn bị gì khi xảy ra động đất?”, để chia sẻ tới mọi người, đặc biệt là lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật.
Bên trong chiếc ba lô khẩn cấp của Thắng (Ảnh: cắt từ clip).
Trong clip, chàng trai chia sẻ về những món đồ thiết yếu trong chiếc ba lô khẩn cấp, và kinh nghiệm sinh tồn khi thiên tai xảy đến.
Theo Thắng, món đồ quan trọng nhất đối với những lao động nước ngoài như anh là hộ chiếu. Một ưu tiên khác trong ba lô là nước lọc, giấy vệ sinh và một số nhu yếu phẩm cần thiết.
“Ưu tiên của tôi là nước lọc và các loại ngũ cốc, các loại đồ ăn khô, nhẹ. Tôi cũng chuẩn bị một chiếc áo khoác gió để giữ ấm cơ thể. Tôi đã chuẩn bị sẵn ba lô, để nó ở nơi dễ quan sát, bất cứ khi nào động đất xảy ra thì chỉ việc ôm ba lô chạy ra ngoài”, Thắng nói.
Có 6 năm kinh nghiệm sống ở Nhật, theo chàng trai quê Tây Ninh, sau động đất, rất có thể sóng thần sẽ ập đến. Ở Nhật, sóng thần cao 20-30m là chuyện thường. Tuy sống gần núi, ít khi bị ảnh hưởng bởi sóng thần, song, Thắng nhận thức rằng, con người không thể phán đoán được khi nào thiên tai xảy đến.
Vợ chồng Thắng hiện đang sinh sống tại Kansai, Nhật Bản (Ảnh: NVCC).
“Đó là lý do tôi luôn chuẩn bị sẵn chiếc ba lô khẩn cấp”, Thắng chia sẻ.
Chàng trai khuyến cáo, nếu mọi người đang lái xe, hãy dừng lại và tránh xa cột điện, cây lớn. Còn nếu đang ở trong tòa nhà cao tầng, hãy tìm chỗ trú ẩn an toàn dưới gầm bàn hoặc những nơi có thể chắn được các vật rơi. Ở yên đó cho đến khi động đất ngừng hẳn rồi hãy di chuyển ra ngoài.
“Ngoài ra, mọi người có thể vào google maps, tìm một ngọn núi, những vị trí cao gần nơi mình sinh sống, và ghi nhớ vị trí đó. Bởi sau động đất, sóng thần có thể sẽ kéo đến. Chỉ có núi là nơi an toàn nhất khi có sóng thần”, Thắng chia sẻ.
Đoạn clip hướng dẫn chuẩn bị ba lô khẩn cấp của nam lao động Việt thu hút hơn 1 triệu lượt xem, hàng nghìn lượt chia sẻ sau khi đăng lên mạng xã hội.
“Hầu hết lao động nào trước khi sang Nhật đều được trang bị kiến thức này. Song, rất ít người để tâm tới, đến lúc cần không biết nên chuẩn bị gì”, Thắng nhắn nhủ.