Phát triển nghề thủ công truyền thống gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa

Phát triển nghề thủ công truyền thống gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa


Bảo tồn và phát triển nghề trồng bông dệt vải của dân tộc Giáy. Ảnh: Lê Thanh Cường

So với cả nước, Lào Cai là tỉnh biên giới với đặc thù có đông thành phần dân tộc (25 nhóm ngành dân tộc thiểu số) nên nghề truyền thống rất phong phú, đa dạng, mang đậm nét văn hóa dân tộc, các sản phẩm được khách hàng trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Tỉnh Lào Cai hiện có 30 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận, trong đó, làng nghề truyền thống chiếm 66%. Các làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận tập trung vào các nghề: chưng cất rượu, may thêu thổ cẩm, đan lát, chạm khắc bạc, làm hương, tráng bánh phở…

Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp Lào Cai, tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn là 1.278 cơ sở, tổ hợp tác và hộ gia đình; lao động tham gia phát triển ngành nghề nông thôn 2.622 người; thu nhập bình quân trung bình đạt 3,8 triệu đồng/người/tháng. Số làng nghề có sản phẩm OCOP: 3 làng nghề có sản phẩm OCOP đạt sao, bao gồm: nấu rượu, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà; nấu rượu, xã Thanh Bình, huyện Sa Pa; chế biến miến dong, xã Bản Xèo, huyện Bát Xát.

Trong bối cảnh bảo tồn, phát triển làng nghề đang là đòi hỏi cấp thiết, nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, bố trí lại lao động và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, tỉnh Lào Cai đã xây dựng phương án bảo tồn và phát triển làng nghề với nhiều giải pháp căn cơ. Trong đó, triển khai thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2022 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Mục tiêu đặt ra là bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của các làng nghề trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; đồng thời, bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng thôn bản, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nông thôn bền vững.

Tuy nhiên, hiện tại, công tác bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Lào Cai còn gặp nhiều khó khăn. Chính sách theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn chưa có phân bổ cụ thể từ ngân sách trung ương, trong khi ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, nên tỉnh còn khó khăn trong triển khai thực hiện. Có sự chồng chéo chức năng quản lý Nhà nước về ngành nghề nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và tiểu thủ công nghiệp (Sở Công thương), dẫn đến việc ban hành cơ chế, chính sách chưa được tập trung. Một bộ phận các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân hoạt động ngành nghề nông thôn vẫn còn gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Thêm vào đó, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn còn lạc hậu, tập quán sản xuất cũ, chậm thay đổi, chưa quen với sản xuất hàng hóa và tiếp cận thị trường. Đầu tư cho sản xuất ngành nghề nông thôn, làng nghề còn thấp, nhỏ lẻ, phân tán, mang tính tự phát, thiếu tập trung theo định hướng và quy hoạch, chưa xây dựng và hoạch định được chiến lược phát triển trung vào dài hạn. Ngoài ra, việc hạn chế đầu tư phát triển và mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến kiểu dáng, mẫu mã, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm chưa được quan tâm; năng lực cạnh tranh của sản phẩm thấp, chưa có được sản phẩm ngành nghề nông thôn xuất khẩu chủ đạo.


Khôi phục nghề đan lát truyền thống của người Tày gắn với phát triển du lịch. Ảnh: Lê Thanh Cường

Trước thực trạng đó, giai đoạn 2022 – 2025, tỉnh Lào Cai sẽ tập trung khôi phục, bảo tồn được ít nhất 11 làng nghề, 21 nghề truyền thống và 13 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền. Công nhận mới 5 làng nghề và 6 làng nghề truyền thống; phát triển 4 làng nghề gắn với du lịch; trên 70% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả; 80% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; có ít nhất 7 làng nghề, nghề truyền thống có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; có ít nhất 2 làng nghề có sản phẩm được xây dựng, phát triển nhãn hiệu sản phẩm làng nghề; thu nhập bình quân của lao động tăng ít nhất 1- 1,5 lần so với năm 2020; 100% cơ sở, hộ sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường…

Trong đó, duy trì và phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, tạo nòng cốt thúc đẩy công tác đào tạo, truyền nghề, thực hành nghề thủ công truyền thống, lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa nghề truyền thống trong cộng đồng. Đặc biệt, đối với thế hệ trẻ, cần bảo tồn, phát triển kỹ năng nghề truyền thống, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị. Khôi phục đối với nghề truyền thống và làng nghề truyền thống, tại các huyện: Mường Khương, Bảo Yên, Si Ma Cai, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Thắng, thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai.

Cùng với đó, tập trung bảo tồn và phát triển một số nghề truyền thống, làng nghề truyền thống như: nghề làm hương của người Giáy; nghề làm cốm của người Tày; làng nghề thêu, may thổ cẩm của người Xa Phó; làng nghề mây tre đan dân tộc Hà Nhì; nghề dệt thêu thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông; nghề làm khèn Mông; nghề chạm khắc bạc của người Dao đỏ… Đồng thời, sẽ phát triển làng nghề gắn với các chương trình du lịch tham quan bản làng, chương trình du lịch văn hóa kết hợp sinh thái. Tổ chức liên kết chuỗi giá trị, phát triển làng nghề gắn với du lịch, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh cũng ưu tiên phát triển các làng nghề mới đảm bảo các giá trị văn hóa truyền thống, thân thiện với môi trường, phát triển bền vững. Khuyến khích và tạo điều kiện phát triển một số nghề như: nghề trồng lanh dệt vải, nhuộm chàm, in sáp ong, chế tác nhạc cụ, nghề rèn đúc của dân tộc Mông; nghề chế tác trang sức, sản xuất nhạc cụ truyền thống của dân tộc Dao; nghề dệt vải, nhuộm chàm, thêu, ghép vải, làm hương của dân tộc Tày; nghề dệt vải, nhuộm chàm, làm hương, nấu rượu của dân tộc Giáy; nghề chế tác trang sức, sản phẩm từ hạt cườm của dân tộc Xa Phó…

Đối với các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền, các cấp, ngành sẽ tổ chức sưu tầm, tài liệu hóa, bảo tồn bí quyết, công nghệ cổ truyền tinh xảo, độc đáo, các sản phẩm được lưu truyền, các mẫu hoa văn truyền thống, các lễ hội truyền thống của làng nghề; duy trì nghệ nhân hoạt động “trình diễn” nhằm lưu giữ, truyền nghề và phục vụ nhu cầu du lịch, văn hóa.

Cùng với đó, tập trung phát triển các làng nghề sản xuất sản phẩm có giá trị kinh tế, hàm lượng văn hóa cao, có tiềm năng lớn (mây tre đan, thêu dệt thổ cẩm…). Phát triển vùng nguyên liệu tập trung, ổn định, ưu tiên các sản phẩm chủ lực tại các địa phương. Xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu về làng nghề, khu trình diễn, không gian trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm của nghề và làng nghề gắn với thiết kế mẫu mã, đào tạo, các hoạt động thương mại sản phẩm làng nghề.

Lê Thanh Cường