Giải cứu nhiều lao động bị “lừa đi biển” trong đường dây mua bán người

Giải cứu nhiều lao động bị “lừa đi biển” trong đường dây mua bán người

Biên phòng – Với mong muốn có việc làm, nhiều lao động từ các tỉnh, thành phố trong cả nước đã bị các đối tượng lừa gạt “việc nhẹ, lương cao” thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo… rồi đưa đến vùng biển Kiên Giang, Cà Mau để bóc lột sức lao động. Nhiều người không quen với điều kiện thời tiết và chưa từng đi biển nên trong quá trình làm việc đã liên tục bị những người khác trên tàu đánh đập, bóc lột sức lao động, đe dọa đến tính mạng. Nhiều gia đình có người thân bị lừa gạt đã làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng và BĐBP Kiên Giang đề nghị giải cứu.


Các nạn nhân bị đánh đập khi làm việc trên tàu cá (ảnh cắt ra từ video clip mà lực lượng đánh án thu thập được trong quá trình điều tra).

“Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn biên giới, vùng biển, đảo của tỉnh Kiên Giang vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, BĐBP Kiên Giang đã đấu tranh triệt phá thành công nhiều chuyên án, vụ án, bắt giữ, điều tra, xử lý nhiều đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật” – Đại tá Nguyễn Trường Giang, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Kiên Giang thông tin.

Cẩn trọng khi tìm việc qua mạng xã hội

Theo Đại tá Nguyễn Trường Giang, đầu tháng 6/2023, BĐBP Kiên Giang tiếp nhận nhiều thông tin phản ánh, tố giác của nhân dân và gia đình một số nạn nhân liên quan đến các tàu đánh cá đang hoạt động trên biển có dấu hiệu nghi vấn liên quan đến tội phạm mua bán người. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo lực lượng trinh sát phòng, chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) BĐBP tỉnh phối hợp với Đồn Biên phòng Tây Yên, BĐBP Kiên Giang tổ chức xác minh, làm rõ để có biện pháp đấu tranh.

Qua công tác nghiệp vụ, lực lượng chức năng nắm được, trên một tàu cá của ngư dân tỉnh Kiên Giang (có 8 người) đang hoạt động trên biển, có 3 thuyền viên bị chấn thương, nghi vấn bị đánh đập, bóc lột sức lao động. Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang chỉ đạo Đồn Biên phòng Tây Yên yêu cầu thuyền trưởng tàu cá này đưa các thuyền viên về đơn vị để làm rõ vụ việc. Qua kiểm tra của quân y đơn vị, các thuyền viên gồm C (quê Bến Tre) bị gãy cẳng chân phải, T (quê Kiên Giang) bị gãy cánh tay phải và Q (quê Hải Dương) bị đau tim. Đơn vị đã hỗ trợ các thuyền viên bị thương đi bệnh viện điều trị vết thương, chăm sóc sức khỏe.

Làm việc với cán bộ điều tra BĐBP Kiên Giang, nạn nhân C cho biết: Khoảng đầu tháng 5/2023, anh đã lên mạng xã hội Facebook để tìm việc làm, thấy bài đăng của người chủ tài khoản là “Chị Thu”. Người này giới thiệu “cần tìm người lựa cá, mực ăn chia với thuyền trưởng và chủ tàu, làm việc khoảng 2-3 tháng với tiền công hơn 50 triệu đồng”. C đồng ý và theo hướng dẫn của “Chị Thu”, C đã về Kiên Giang gặp T (ngụ tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) ký hợp đồng lao động.

Cùng tìm việc qua trang mạng nên Q (quê Hải Dương) quen H (quê Yên Bái), sau đó, Q và H tiếp tục tìm việc làm trên mạng và quen được người tên M. Khoảng tháng 6/2023, qua hướng dẫn của M, Q và H được đưa về nhà N ở Kiên Giang, rồi tiếp tục đến nhà T. Tại đây, T đưa hợp đồng làm việc cho Q và H ký, sau đó, T và một người tên L đưa 6 người gồm T, H, H, Q, Đ, C xuống tàu cá KG91xxxTS do T làm thuyền trưởng để ra biển hoạt động.

Do không biết làm việc trên tàu đánh cá nên Q, C và T bị các thuyền viên trên tàu nhiều lần đánh đập trước sự chứng kiến của tất cả những người làm việc trên tàu, nhưng không ai dám đứng ra can ngăn vì sợ liên lụy.

Đại tá Nguyễn Trường Giang cho biết: Qua xác minh thông tin, nhận định đánh giá tình hình, cơ quan nghiệp vụ của BĐBP Kiên Giang xác định, đây là vụ việc có dấu hiệu của tội phạm “mua bán người” với hình thức “cò ngư phủ” thông qua các trang mạng xã hội, mục đích là bóc lột, cưỡng bức lao động; cần phải nhanh chóng giải cứu nạn nhân và xử lý các đối tượng.

Giải cứu nạn nhân, khởi tố các đối tượng mua bán người

Kết quả điều tra, xác minh ban đầu của BĐBP Kiên Giang cho thấy, Q, T, C bị các đối tượng T, L, N và một số đối tượng khác câu kết với nhau thực hiện hành vi lừa gạt làm việc trên tàu cá, nhằm mục đích thu lợi bất chính. Hành vi trên của các đối tượng có dấu hiệu của tội phạm mua bán người quy định tại Điều 150, Bộ luật Hình sự.

Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang đã báo cáo Bộ Tư lệnh BĐBP, Cục PCMT&TP BĐBP về việc xác lập Chuyên án mang bí số KG 823p để tập trung chỉ đạo đấu tranh, triệt phá; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan và lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang; sự hỗ trợ của Cục PCMT&TP BĐBP và Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Nam để chuyên án được triển khai nhanh chóng.

Làm việc với cán bộ điều tra BĐBP, T đã khai nhận hành vi tiếp nhận Q, H từ N và chuyển cho N số tiền 22 triệu đồng; T đã chứa chấp và chuyển giao Q, H, C, Đ cho T (thuyền trưởng tàu KG91xxxTS) để nhận số tiền 80 triệu đồng. Đối tượng N cũng khai nhận, từ năm 2022 đến tháng 8/2023, N đã chuyển giao cho T khoảng 20 người để đưa lên các tàu cá đi làm biển. Các đối tượng khác cũng đã thừa nhận hành vi tiếp tay.

Ngày 19/8/2023, Đồn Biên phòng Tây Yên ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội mua bán người; tiến hành các hoạt động điều tra ban đầu, sau đó chuyển giao vụ án cho Công an tỉnh Kiên Giang tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm minh các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Theo Đại tá Nguyễn Trường Giang, chuyên án đã triệt phá thành công đường dây mua bán người hoạt động dưới hình thức “cò ngư phủ” bán cho các tàu cá trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, mục đích là cưỡng bức lao động, thu lợi bất chính. Đặc biệt, các đơn vị đã giải cứu, bảo vệ an toàn và hỗ trợ 5 nạn nhân về đoàn tụ với gia đình.

Qua vụ việc này, Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang kiến nghị, các ngành chức năng cần tăng cường quản lý lao động, giới thiệu việc làm; quản lý khai thác tàu cá; tập huấn kỹ năng, đảm bảo nguồn nhân lực lao động trên tàu cá, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế biển của từng địa phương. BĐBP tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân dân trên địa bàn; đồng thời kêu gọi người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tố giác tội phạm, cùng với BĐBP và các cơ quan chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.

Lê Khoa