Hội thảo do UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Báo Lao Động tổ chức vào sáng 9.8.
Mở rộng chính sách, thị trường lao động
Hiện nay, ở tỉnh Cà Mau, người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ không hoàn lại chi phí ban đầu tối đa 13,8 triệu đồng/lao động (LĐ) và vay vốn làm chi phí xuất cảnh không quá 110 triệu đồng/LĐ. Chính sách hỗ trợ cho NLĐ theo Nghị quyết số 21/2019/NQ-HĐND ngày 6.12.2019 của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Cà Mau đã giúp NLĐ giảm bớt gánh nặng về chi phí cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn… nhờ đó thu hút gần 2.000 LĐ đi làm việc.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Nhóm PV
Ông Nguyễn Quốc Thanh – Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Cà Mau – cho biết, trong thời gian tới, tỉnh xác định chú trọng phát triển thị trường LĐ hướng đến việc làm bền vững, xác lập các nguyên tắc sử dụng và quản lý LĐ phù hợp với sự phát triển của thị trường, xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ.
“Tỉnh Cà Mau sẽ đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trọng tâm hiện đại hóa giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng” – ông Thanh nói.
Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Cà Mau phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: Nhóm PV
Còn tại tỉnh Vĩnh Long, bình quân mỗi năm đã đưa trên 1.100 LĐ ra nước ngoài làm việc, đột phá trong năm 2023 đã đưa 1.706 LĐ với các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…
“Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp tư vấn định hướng cho người LĐ, trang bị năng lực, kỹ năng chuyên môn – tay nghề, ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết. Điều này giúp chuẩn bị các điều kiện phát triển nghề nghiệp sau khi hết hạn hợp đồng” – bà Huỳnh Thị Mỹ Hà, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Vĩnh Long, cho hay.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Cũng tại hội thảo, bà Yamada Rei – đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam – cũng đã thông tin về dự án Hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Dự án do DOLAB & JICA thực hiện). Đối với dự án này, NLĐ mong muốn làm việc ở nước ngoài có thể xem các thông tin việc làm phù hợp với điều kiện cá nhân và thu thập thông tin về tổ chức phái cử đăng tải thông tin việc làm đó.
“NLĐ cũng có thể xem các thông báo, hướng dẫn của DOLAB liên quan đến làm việc ở nước ngoài trên Hệ thống này, tìm kiếm cơ hội cho bản thân và gia đình” – bà Yamada Rei cho hay.
NLĐ Đồng Tháp xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ảnh: Trung tâm DVVL Đồng Tháp cung cấpChuyên gia đề xuất cần có sự phối hợp đồng bộ để xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ảnh: Trung tâm DVVL Đồng Tháp cung cấp
Đối với giải pháp đầu tư nhân lực cho tương lai, ông Nguyễn Gia Liêm – chuyên gia cao cấp, cố vấn Hiệp hội xuất khẩu lao động (XKLĐ) Việt Nam – nhìn nhận, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành trong việc xây dựng quy định cụ thể hóa và tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người LĐ, doanh nghiệp XKLĐ, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
“Chúng ta cần xây dựng, triển khai đề án nâng cao chất lượng nguồn LĐ đối với ngành, nghề, công việc cụ thể có trình độ chuyên môn cao hoặc có ưu thế để chiếm lĩnh thị phần thị trường LĐ Việt Nam ở nước ngoài” – ông Khiêm đề xuất.
Ông Phan Văn Thắng – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Nhóm PV
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Phan Văn Thắng – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp – nhấn mạnh, các cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh sẽ quan tâm hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động đưa LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên địa bàn mình.
“Chúng tôi tăng cường mối quan hệ ngoại giao, tìm hiểu, khảo sát mở rộng thị trường LĐ nước ngoài, nghiên cứu hướng đến thị trường LĐ của các nước Úc, Đức, Canada, Ba Lan…; quan tâm thực hiện tốt việc thẩm định, chọn lọc đơn hàng phù hợp với tình hình và điều kiện của LĐ. Tôi tin tưởng rằng, trong giai đoạn mới, Chương trình đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong khu vực ĐBSCL sẽ có bước tiến mới và đạt được kết quả cao hơn nữa” – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp nhấn mạnh.
Dịp này, các đại biểu cùng ôn lại kỷ niệm 95 năm Báo Lao Động xuất bản số đầu tiên (14.8.1929-14.8.2024). Tập thể cán bộ, phóng viên Báo Lao Động tại khu vực ĐBSCL nhận được Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp về thành tích tuyên truyền, quảng bá hình ảnh địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, An Giang và LĐLĐ các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cũng tặng nhiều bằng khen cho tập thể, cá nhân các phóng viên thường trú của Báo Lao Động.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (giữa) tặng Bằng khen cho tập thể và cá nhân phóng viên Báo Lao Động tại Văn phòng ĐBSCL. Ảnh: Nhóm PV