Cũng theo cuốn sách này, những ngành nghề lâu nay được xã hội kính trọng và đánh giá cao như giáo viên, bác sĩ, dược sĩ, luật sư, chuyên gia phân tích tài chính… sẽ là những “nạn nhân” đầu tiên của AI. Cần nhớ năm 2019 là thời điểm mà AI tạo sinh chưa được nhiều người trên thế giới biết đến.
Với sự tiến bộ theo cấp số nhân của AI hiện nay, các AI robot tương lai đang có thể “giành lấy” công việc của giáo viên
Khi “thí sinh”AI xuất sắc hoàn thành các bài thi siêu khó
Ngày 19.7 vừa qua Đài truyền hình CNBC, Mỹ đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Scott Gottlieb, thành viên của Viện Hàn lâm y khoa quốc gia và từng là ủy viên thứ 23 của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ, về kết quả tham gia bài kiểm tra y khoa của 5 “thí sinh” là những AI chatbot hàng đầu trên thế giới hiện nay: ChatGPT 4o (Công ty Open AI), Claude 3.5 (Sonet), Gemini nâng cao (Google), Grox (X) và Hugging Chat (Llama).
Bác sĩ Scott Gottlieb cho biết 5 thí sinh AI phải trả lời 50 câu hỏi nằm trong phần thi thứ 3 dành cho những “ứng viên bác sĩ tương lai” đã hoàn thành 4 năm đào tạo y khoa và bắt đầu thực tập nội trú tại bệnh viện. Với tiêu chí phải đạt từ 60% điểm trở lên, cả 5 thí sinh AI đều đậu kết quả kỳ thi khó khăn này. Điểm cao nhất là ChatGPT 4o là 98%, thấp nhất là Hugging Chat (66%), kết quả bình quân của 5 thí sinh AI là 75%. “Thí sinh” thủ khoa đạt kết quả 98%/100 điểm yêu cầu. “Bạn ấy” không chỉ biết giải thích tại sao mình chọn đáp án này mà còn lý giải tại sao không chọn các đáp án còn lại.
Cuối tháng 7, ứng dụng của Deepmind là AlphaProof đã chinh phục 4 trong 6 bài của đề thi Olympic toán quốc tế (IMO) năm nay, đạt 28/42 điểm, ngang với thí sinh giành huy chương bạc.
Trợ giảng AI sẽ trở thành giáo viên AI?
Câu chuyện AI tham gia làm trợ giảng, hỗ trợ giáo viên trong việc dạy và học không mới trên thế giới.
Năm 2017, AI Robot có tên Keeko đã được sử dụng làm trợ giảng cho giáo viên trong hơn 200 trường mẫu giáo ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Keeko không những trò chuyện với các bé mà còn biết đọc sách dạy làm toán; hát múa và chơi trò chơi với các bé.
Bộ Giáo dục của Nhật Bản đã thử nghiệm để AI dạy ngoại ngữ cho các trường tiểu học toàn quốc từ tháng 4.2019 do tình trạng thiếu giáo viên bản xứ ở Nhật. Cũng trong năm 2019, các trường tiểu học của thành phố Temprate nằm ở phía nam Phần Lan cũng đã ủy thác việc dạy ngoại ngữ cho AI có tên là Elisa. Elisa có thể hiểu và nói thành thạo 23 ngôn ngữ khác nhau và còn biết cách giảng dạy theo trình độ học tập của học sinh.
Với sự tiến bộ theo cấp số nhân của AI hiện nay, các AI robot tương lai đang có thể “giành lấy” công việc của giáo viên không chỉ những công việc chuẩn bị cho lớp học và ngay tại không gian của lớp học với học sinh.
Việc học ngoại ngữ của học sinh hiện nay trở nên thuận lợi rất nhiều khi có các công cụ dịch, luyện đọc, viết luận… được tích hợp trong các ứng dụng trên máy tính hoặc điện thoại
Nhiệm vụ “trao truyền kiến thức” không còn là độc quyền của giáo viên
Trong một số lớp học nâng cao năng lực số cho giáo viên phổ thông thời gian gần đây, có một câu hỏi được đưa ra trao đổi: “Nhiệm vụ quan trọng nhất của giáo viên là gì?” Câu trả lời được nhiều thầy cô chia sẻ ngay là: “Truyền đạt kiến thức đến học sinh”.
Nhiệm vụ truyền đạt kiến thức đến học sinh đã gặp thử thách khá lớn khi thế giới có internet và xuất hiện những ông thầy “YouTube”. Với sự xuất hiện của các AI tạo sinh trong gần 2 năm vừa qua, nhiệm vụ trao truyền kiến thức này dường như đang ngày càng được “chuyển giao” mạnh mẽ hơn cho các chatbot AI. AI có thể ghi nhớ, tổng hợp các thông tin, giải thích và đưa ra những câu trả lời trong nhiều lĩnh vực khác từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội nên học sinh có thể tự học với các “giáo viên” AI này.
Chẳng hạn việc học ngoại ngữ của học sinh hiện nay trở nên thuận lợi rất nhiều khi có các công cụ dịch, luyện đọc, viết luận… được tích hợp trong các ứng dụng trên máy tính hoặc điện thoại.
AI soạn giáo án, powerpoint trong vài nốt nhạc!
Các giáo viên tham gia chương trình tập huấn của Sở GD-ĐT TP.HCM được hướng dẫn soạn giáo án cho tiết học đầu tiên môn học mình giảng dạy năm học 2024-2025 theo chương trình GDPT 2018.
Hình ảnh do công cụ AI vẽ phục vụ công việc giảng dạy của giáo viên
NHÓM GIÁO VIÊN CUNG CẤP
Chỉ cần nhập vào hình ảnh trang đầu tiên của bài học theo sách giáo khoa và quy định soạn giáo án mới, thầy cô đã có ngay 1 giáo án chi tiết rất giống với những tài liệu hướng dẫn giáo viên hoặc các giáo án của bài học được “rao bán” trên mạng. Để làm cho học sinh hứng khởi khi bắt đầu tiết học, giáo viên nhập lệnh yêu cầu chatbot đề xuất vài hoạt động và nguồn tài liệu (hình ảnh minh họa, video clip bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh). Hơn thế nữa không chỉ đưa ra tài liệu, AI chatbot còn giúp thầy cô soạn cả những câu hỏi trắc nghiệm phân loại theo trình độ học sinh từ rất dễ đến rất khó.
Khi thiết kế các hoạt động vận dụng cuối tiết học này, AI đề xuất một số trò chơi, trong đó có những hoạt động rất theo “trend” với giới trẻ hiện nay như tạo ra các meme liên quan đến công thức toán học và định luật cần phải nhớ. Khi yêu cầu thiết kế hoạt động vận dụng cho 3 nhóm học sinh yêu thích môn học, không thích môn học và trung lập, AI đưa ra nhiều đề xuất thú vị và giải thích khá chi tiết vì sao nên sử dụng các hoạt động này cho từng nhóm đối tượng.
Giáo viên cũng được tiếp cận với các ứng dụng AI hỗ trợ soạn bài giảng powerpoint. Trải nghiệm với ứng dụng Gamma khiến giáo viên rơi vào tâm trạng đầy nghịch lý. Chỉ cần nhập câu lệnh: “Soạn bài giảng tiết 01, bài 01 môn lý lớp 11 Dao động”, lựa chọn số slide và ngôn ngữ (có hỗ trợ tiếng Việt), ứng dụng đã lên ngay khung chương trình từ khởi động đến hình thành kiến thức chính của bài học, luyện tập và mở rộng. Tiếp tục cài đặt thêm về khung chủ đề, cách trình bày chữ, lựa chọn hình từ internet hay do chính AI tạo ra và nhấn nút tạo, 1 file bài giảng lần lượt hiện ra trong vài phút.
Một cô giáo dạy môn hình học lớp 12 ở Trường PTTH Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cảm thấy ngất ngây khi thấy hình ảnh khối đa diện trong file powerpoint do AI tạo quá lung linh.
Một thầy giáo dạy vật lý lớp 11 sau khi đối chiếu nội dung kiến thức của bài giảng đưa ra nhận định: nội dung gần như chính xác, hình ảnh thì rất độc đáo và mới lạ.
Cũng có một vài sai sót như khi soạn bài giảng cho bài thơ “Tràng Giang” của nhà thơ Huy Cận, ứng dụng tự động đưa vào một hình ảnh thanh niên rất lạ. Tuy nhiên ứng dụng cũng cho biết người dùng tìm ảnh thay thế trên mạng ngay lập tức.
Bên cạnh sự phấn khích, kinh ngạc về khả năng làm công việc soạn powerpoint của công cụ này, nhiều giáo viên cảm thấy lo lắng vì công việc mà từ trước đến giờ mình cảm thấy khá tự hào, tự tin đầu tư nhiều thời gian công sức để làm, bây giờ được AI xử lý trong vài nốt nhạc.
Để AI không “cướp” việc làm của giáo viên
Năng lực quan trọng đầu tiên để “hạn chế” viễn cảnh này có lẽ tinh thần “học tập suốt đời” của giáo viên.
Thống kê 1.324 giáo viên tham gia 12 khóa chương trình tập huấn “Ứng dụng AI hỗ trợ dạy và học dựa trên Công nghệ Google” do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức từ tháng 6 đến nay cho thấy 78% giáo viên tham có từ 10 kinh nghiệm giảng dạy trở lên, 82% độ tuổi từ 30 trở lên. Đây là một tín hiệu đáng mừng khi giáo viên lớn tuổi, có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề không ngần ngại tham gia các lớp học về kỹ năng số, sử dụng AI cho việc giảng dạy. Với thói quen học tập suốt đời, giáo viên không chỉ có cơ hội lớn hơn để tồn tại và phát triển trong nghề giáo và còn làm gương cho học sinh trong việc rèn luyện năng lực vô cùng quan trọng này để các em có thể “sống còn” trong thời đại của AI.
Giáo viên có thể làm được một việc mà AI khó có thể “cướp” lấy là thể hiện sự đồng cảm, quan tâm sâu sát đến học sinh theo từng nhóm đối tượng và năng lực học tập thông qua việc giao tiếp trực tiếp với sự tôn trọng, yêu thương dành cho học sinh
Các công cụ AI hiện nay cũng giúp giáo viên có thể hiểu học sinh, phụ huynh thông qua những cuộc khảo sát thực hiện online một cách thuận tiện và nhanh chóng. Giáo viên có thể sử dụng để biết được học sinh yêu thích môn học của mình không từ đó có những hoạt động mang tính cá nhân hóa đối với từng nhóm đối tượng học sinh, soạn những câu hỏi kiểm tra đánh giá theo từng mức độ năng lực của học sinh. Với những sự hỗ trợ nhiệt tình, kiên trì và sáng tạo của các công cụ AI, giáo viên có thể làm được một việc mà AI khó có thể “cướp” lấy là thể hiện sự đồng cảm, quan tâm sâu sát đến học sinh theo từng nhóm đối tượng và năng lực học tập thông qua việc giao tiếp trực tiếp với sự tôn trọng, yêu thương dành cho học sinh.
Một công việc nữa mà AI cũng khó “cướp” được của giáo viên chính là giáo viên có thể gợi mở những động cơ học tập tích cực, truyền cảm hứng để học sinh có những khát khao, ước mơ chinh phục những đỉnh cao tri thức, không chỉ sử dụng các AI mà còn có năng lực tạo ra những AI mới góp phần giải quyết những vấn đề thiết thực trong cuộc sống.