Xa quê hương nuôi mộng “đổi đời”
Tốt nghiệp ngành quản trị du lịch, anh Nguyễn Hưng (quê tại Quốc Oai, Hà Nội) trở thành một nhân viên văn phòng với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Gia cảnh không mấy khá giả, tiền làm ra chỉ đủ nuôi bản thân, chàng trai luôn trăn trở, tìm một con đường khác để thay đổi cuộc sống.
Anh Hưng (bìa bên phải) cùng các nhân viên đứng trước nhà hàng tâm huyết của mình (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
“Tôi muốn được đi nước ngoài để học tập nhưng tài chính gia đình lại không cho phép. Trong một lần tìm hiểu, tôi biết đến Chương trình EPS, một chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc, nên bắt đầu theo đuổi từ đó”, anh Hưng nói.
Với mơ ước đổi đời, năm 2011, chàng trai lao đầu vào học tiếng Hàn suốt 7 tháng và thi đỗ vào Chương trình EPS, trở thành một trong hàng trăm lao động Việt đến Hàn Quốc làm việc.
Thời gian đầu, anh được làm việc tại một nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô, nằm cách xa TP Seoul hơn 1 tiếng di chuyển bằng xe buýt. Nhà máy nằm ở một vùng nông thôn thiếu thốn đủ thứ, vì thế, anh gặp không ít bất tiện trong đời sống hằng ngày. Hơn nữa, dù đã thi đỗ tiếng Hàn và học tập vô cùng chăm chỉ, anh Hưng vẫn không tài nào giao tiếp được với người bản xứ.
Ngày tháng sống ở xứ sở kim chi, anh Hưng cảm nhận rõ cơ thể mình lúc nào cũng lạnh cóng. Những đêm ngủ trong giá rét nơi xứ người, đặc biệt là những ngày Tết, đối với anh là cảm giác nhớ nhà khôn xiết.
“Tôi là người không thích sự từ bỏ. Nhận thấy những khó khăn của mình, tôi liền dành ngày cuối tuần để đi đến trung tâm hỗ trợ người nước ngoài ở địa phương để học hỏi, rèn luyện tiếng Hàn. Một thời gian sau, chẳng những việc giao tiếp của tôi được cải thiện, tôi còn được giới thiệu sang làm cho một công ty chuyên về vi mạch điện thoại, thu nhập lên đến 2.000 USD/tháng”, anh Hưng chia sẻ.
Công việc ở chỗ làm mới vô cùng vất vả, anh Hưng không thể quên được những ngày tháng làm việc xuyên đêm không ngủ, thời gian biểu bị đảo lộn hoàn toàn. Anh trải lòng rằng anh nỗ lực hết mình, đánh đổi cả sức khỏe là để đổi lấy đồng tiền gửi về cho gia đình, dành dụm nuôi ước mơ khởi nghiệp của bản thân.
Chàng trai Việt chia sẻ anh vẫn cảm thấy may mắn vì suốt hành trình ấy, anh được gặp những người tốt, sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ anh.
Ước mơ làm chủ nơi xứ người
Sau 6 năm làm công nhân, anh Hưng tích cóp được 1,5 tỷ đồng. Cùng lúc ấy, công ty gặp khó khăn về tài chính dẫn đến phá sản khiến công việc của anh cũng trở nên bấp bênh.
Nam lao động Việt chợt nhận ra rằng nếu cứ rơi vào vòng lặp đi làm thuê, dựa dẫm vào người khác thì sẽ khó làm chủ cuộc đời mình. Nghĩ thời cơ đã chín muồi, chàng trai bắt đầu tìm mô hình khởi nghiệp thích hợp.
Ấp ủ đam mê khởi nghiệp từ ngày đầu sang Hàn, anh Hưng luôn trong tâm thế chuẩn bị, sẵn sàng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
“Từ khi bước chân sang Hàn, tôi đã ấp ủ mơ ước làm chủ xứ người nên lúc nào cũng trong tâm thế chuẩn bị sẵn sàng. Tôi biết điều quan trọng và khó khăn nhất để khởi nghiệp ở nước ngoài chính là có được visa đủ điều kiện cho phép kinh doanh. Vì thế, từ năm 2011 đến năm 2017, tôi đã nỗ lực và đổi thành công visa E9 (lao động phổ thông) sang E7 (lao động dài hạn) và cuối cùng là F2 (cho phép người nước ngoài nhập cư và sinh sống tại Hàn lâu dài)”, anh nói.
Năm 2016, trong lần tham dự buổi giao lưu đồng hương Việt, chàng trai tình cờ gặp được một nghệ nhân ẩm thực thuộc Hội đầu bếp Sài Gòn đang quảng bá món phở. Thấy món ăn Việt được nhiều người chào đón, anh Hưng mới nảy ra ý tưởng mở nhà hàng tại Hàn Quốc, nhờ người nghệ nhân hướng dẫn bí quyết và công thức nấu phở chuẩn vị miền Nam.
Thời gian đầu, việc kinh doanh diễn ra không hề dễ dàng. Chàng trai phải mất 1 năm để mày mò cách nấu, điều chỉnh hương vị cho phù hợp với khẩu vị của người Hàn. Anh Hưng cũng kết nối những trang trại lớn ở Mỹ, Canada để nhập thịt bò chất lượng cho nhà hàng của mình.
“Người bản địa thường thích ăn những thứ tốt cho sức khỏe. Vì thế, thay vì dùng đường phèn thì tôi dùng rau củ để tạo độ ngọt cho nước dùng. Tôi còn phối hợp giữa độ ngọt của phở miền Nam và độ thanh của phở miền Bắc để tạo sự khác biệt so với những tiệm phở xung quanh”, anh chia sẻ.
Trong thời gian đó, anh còn lân la khắp nơi để tìm mặt bằng ưng ý tại TP Incheon, tìm tuyển những nhân viên tốt nhất.
Mỗi ngày, anh túc trực ở nhà hàng từ 9h đến 19h, sau đó trở về nhà tiếp tục kiểm kê nguyên liệu cho đến tối muộn mới nghỉ ngơi. Chàng trai Việt còn phải cân bằng giữa việc khởi nghiệp và chăm sóc gia đình nhỏ.
Thực khách ủng hộ đông đúc tại nhà hàng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
“Khó khăn nhất chính là quản lý nhân sự. Lắm lúc, nhân viên ở quán không quá nhiệt tình với công việc khiến một mình tôi phải quán xuyến mọi thứ, thật sự rất vất vả. May mắn là sau một thời gian, tôi cũng đúc kết được nhiều kinh nghiệm từ chính mình, rồi dần hoàn thiện tất cả”, anh Hưng bộc bạch.
Để nhà hàng có nhiều khách hơn, năm 2019, anh đăng ký tham gia khóa học marketing để mở rộng quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội và tìm cách tiếp cận khách hàng. Một năm sau, anh tiếp tục học lớp thanh niên khởi nghiệp của quận tổ chức để giao lưu, học hỏi với nhiều người cùng khởi nghiệp giống mình.
Dần dà, lượng khách kéo đến càng đông hơn. Năm 2020, anh mở thêm một chi nhánh. Mỗi chi nhánh có 5 nhân viên thì mới kịp phục vụ khách hàng. Ngoài món phở, anh Hưng còn bán thêm các món nướng để đa dạng thực đơn.
Nhà hàng của anh Hưng nhận được nhiều chứng chỉ ẩm thực của địa phương (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Đến nay, doanh thu của cả 2 chi nhánh có thể đạt 120 triệu won/tháng (tương đương hơn 2,2 tỷ đồng).
“Niềm hạnh phúc không chỉ dừng lại ở doanh thu mà là cảm xúc khi chứng kiến món ăn truyền thống của dân tộc được nhiều người ủng hộ. Không chỉ người Hàn, người Việt sống tại Hàn cũng thường xuyên lui tới và dành nhiều lời khen cho món ăn tại nhà hàng. Họ nói rằng họ cảm thấy nhớ quê hương sau khi ăn bát phở”, anh Hưng cười, nói.
Nhìn lại chặng đường vừa qua, chàng trai chia sẻ nhờ những nỗ lực “không tưởng” của bản thân đã đưa anh đến được thành công như hôm nay. Vốn là một lao động sang Hàn để làm thuê, kiếm ba cọc ba đồng, giờ đây anh Hưng tự hào mình đã có thể làm chủ nơi xứ lạ quê người.