Các chỉ số chứng khoán chính tại châu Á chìm sâu trong sắc đỏ trong phiên giao dịch đầu tuần 5.8. Những lo ngại về khả năng kinh tế Mỹ suy thoái đã khiến thị trường chao đảo.
Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 12,4% so với phiên giao dịch ngày 2.8
Theo đài CNBC, trong phiên giao dịch ngày 5.8, chứng khoán Nhật Bản chìm trong sắc đỏ do chịu sức ép từ đồng yên phục hồi và số liệu việc làm không mấy khả quan của Mỹ. Chỉ số chứng khoán Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 12,4% so với phiên giao dịch ngày 2.8, đóng cửa ở mức 31.458,42 điểm. Đây là phiên giao dịch tồi tệ nhất của Nikkei kể từ năm 1987. Việc mất 4.451,28 điểm cũng là mức giảm điểm lớn nhất trong toàn bộ lịch sử của Nikkei. Mức giảm lớn cũng xóa hết tất cả lợi nhuận của Nikkei từ đầu năm đến nay, chuyển sang vị thế thua lỗ.
Chứng khoán Hàn Quốc cũng giảm mạnh với chỉ số Topix giảm 12,23%, xuống 2.227,15 điểm. Sau khi các chỉ số chứng khoán giảm mạnh, cơ chế tạm dừng giao dịch đã được kích hoạt đối với các sàn chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tại Trung Quốc, các chỉ số chính cũng không nằm ngoài xu hướng giảm điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 1,1% xuống 16.753,94 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,5% xuống 2.891,93 điểm.
Báo cáo việc làm tháng 7.2024 đáng lo ngại của Mỹ khiến thị trường “đặt cược” tới 70% rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ Fed sẽ giảm lãi suất tới 50 điểm cơ bản vào tháng 9 tới. Các nhà phân tích tại ngân hàng Goldman Sachs nhận định Fed sẽ giảm 25 điểm cơ bản tới 3 lần, vào các tháng 9, tháng 11 và tháng 12 năm nay. Theo ngân hàng này, trong trường hợp tăng trưởng việc làm phục hồi vào tháng 8, Fed sẽ đánh giá mức cắt giảm 25 điểm cơ bản là đủ để ứng phó với bất kỳ rủi ro suy giảm nào. Nhưng nếu báo cáo việc làm tháng 8 yếu như báo cáo tháng 7, có khả năng Fed giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 9.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đã tăng cược rằng các ngân hàng trung ương lớn khác sẽ tiếp bước Fed và nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn. Ngân hàng Trung ương châu Âu được dự đoán sẽ cắt giảm lãi suất vào Giáng sinh năm nay.