Làm đủ nghề để nuôi ước mơ
Trong những năm theo học ngành quản trị logistics, trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM, anh Phan Văn Phú (SN 1997, ngụ tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đã bắt đầu đi làm thêm để kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt.
Vốn đam mê khởi nghiệp, anh Phú làm đủ thứ nghề, tích lũy vốn và kinh nghiệm để nuôi ước mơ làm chủ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Chàng trai quê ở tỉnh Bình Phước cho hay, khi còn đi học, anh đã ấp ủ ước mơ khởi nghiệp, làm chủ đam mê của mình. Vì thế, anh chưa từng ngừng trau dồi, học hỏi kiến thức xã hội cũng như cách ứng xử, giao tiếp.
Vốn đặt định hướng khởi nghiệp, Phú liều mình thử nhiều công việc khác nhau mà không bận tâm đến thu nhập. Anh bộc bạch, bản thân từng làm tài xế riêng cho lãnh đạo, cho đến làm nhân viên sắp xếp hàng hóa, điều phối xe, hàng hóa. Thậm chí, anh còn từng đi bốc gạch thuê để kiếm 300.000 đồng/ngày, nuôi ước mơ khởi nghiệp.
Tốt nghiệp đại học, anh tiếp tục xin vào làm việc tại một công ty sản xuất vật liệu xây dựng. Suốt quá trình làm việc, thay vì chỉ hoàn thành xong việc rồi về nhà, Phú luôn tập trung ghi chép, học hỏi cách quản lý, vận hành doanh nghiệp nơi mình làm việc.
Suốt quá trình làm thuê, thay vì chỉ làm xong việc rồi về nhà, Phú luôn quan sát, học hỏi người chủ về cách vận hành, quản lý việc sản xuất (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Sau 6 năm, chàng trai nhận thấy composite là một loại nhựa, có nhiều ưu điểm như tuổi thọ cao, chịu lực tốt, thân thiện với môi trường… so với các vật liệu khác.
“Tại các nước châu Âu, sản phẩm từ nhựa composite được sử dụng rộng rãi trong ngành xây dựng trong hơn 80 năm nay. Tuy nhiên, tại Việt Nam hầu như chưa có doanh nghiệp nào ứng dụng vật liệu này vào sản xuất. Vì thế, tôi quyết định thử tự sản xuất composite”, anh nói.
Gom toàn bộ số vốn tích cóp trong nhiều năm đi làm thuê, Phú còn thế chấp mảnh đất của gia đình để vay thêm tiền từ ngân hàng, kêu gọi vốn đầu tư từ người quen, bạn bè. Chàng trai bắt đầu mọi việc với 3 chiếc máy gia công vật liệu composite và 10 công nhân, nhân viên văn phòng. Phú thuê một nhà xưởng ở Bình Dương để tiện cho việc sản xuất và vận chuyển nguyên vật liệu.
Không khuất phục trước khó khăn
Quần quật suốt 1 năm, đổ số vốn lớn để vận hành xưởng nhưng Phú chẳng những chưa gặt được quả ngọt mà còn phải đối mặt với nhiều sóng gió.
“Vì chưa có nhiều kinh nghiệm, sản phẩm làm ra hầu hết không đạt chất lượng. Máy móc nhập từ nước ngoài nên mỗi khi hư hỏng, tôi đều phải thuê chuyên gia nước ngoài đến xử lý, tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Ngoài ra, chẳng có ai chỉ cho mình cách làm một sản phẩm đạt tiêu chuẩn mà bản thân phải tự tìm tòi, hoàn thiện”, Phú chia sẻ.
Bằng tính kiên trì, Phú đã thuyết phục được những khách hàng đầu tiên của mình (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Mất một khoảng thời gian dài, ông chủ xưởng mới dần hiểu được cách sản xuất ra sản phẩm tối ưu. Tuy nhiên, vì là một người khởi nghiệp non trẻ trên thị trường, anh gặp không ít khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.
Phú chạy vạy khắp các công trình, nhà máy xây dựng để chào hàng nhưng các chủ thầu, chủ doanh nghiệp đều ái ngại, lắc đầu. Ròng rã suốt 4 tháng, tiền vốn cứ thế thâm hụt khiến cho anh vô cùng áp lực.
“Tôi không tránh được suy nghĩ bỏ cuộc nhiều lần thôi thúc. Nhưng mỗi lúc như vậy, tính kiên trì và đam mê đã vực dậy tôi dậy. Khởi nghiệp thì khó khăn là chuyện bình thường. Tôi tin rằng nếu bản thân cứ cố gắng không ngừng, mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp hơn”, anh Phú nói.
Mỗi lần nản chí, ông chủ 9X lại gắng hít một hơi thật sâu, chú tâm vào danh sách các doanh nghiệp xây dựng ở địa phương, kiên trì chạy xe, gõ cửa từng điểm.
Trong một lần may mắn, Phú như vỡ òa khi cuối cùng cũng có một doanh nghiệp tin tưởng, dùng thử sản phẩm do anh sản xuất.
“Họ cũng nhập khẩu vật liệu composite ở nước ngoài nhưng chi phí lại đắt đỏ. Thấy sản phẩm của tôi cùng chất lượng mà giá lại rẻ hơn, họ quyết định cho tôi cơ hội”, chàng trai kể.
Từ 10 nhân viên, công nhân, giờ đây công ty của Phú đã có hơn 100 người (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Dần dà, tiếng lành đồn xa, càng có nhiều doanh nghiệp tìm đến xưởng sản xuất của Phú để đặt hàng, ký kết lâu dài. Từ 3 chiếc máy, ông chủ trẻ phải mua thêm 8 máy, tăng số lượng công nhân viên từ 10 người lên 100 người. Anh Phú tiếc nuối vì nhà máy không đủ nhân lực, máy móc để đáp ứng các đơn hàng đến tấp nập, nhu cầu lớn của thị trường.
Mỗi tháng, doanh thu của công ty có thể đạt hơn 1,5 tỷ đồng. Phú dùng số tiền đó để tái đầu tư, mua thêm thiết bị, máy móc. Tính đến nay, ông chủ đã rót khoảng 30 tỷ đồng cho nhà xưởng và vẫn đang trong quá trình đầu tư.
Các công trình từ nhà ở cho đến nhà máy dệt nhuộm, xi mạ, các trang trại nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp ở các khu công nghiệp Tân Tạo, khu chế xuất Linh Xuân… đều sử dụng sản phẩm của anh. Không chỉ dùng nhựa composite để thay thế sắt, trụ cột bê tông, nhiều khách hàng còn lựa chọn, đặt hàng để dùng với mục đích, dự án khác.
Sắp tới, anh dự định nghiên cứu cách ứng dụng nhựa composite để thay thế sắt thép trong xây dựng. Đồng thời, anh cũng ấp ủ việc mua thêm 50 máy sản xuất và mở thêm nhà máy tại Bình Phước, với diện tích khoảng 20.000 m2.