Có 2 chị gái đã lập gia đình hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ làm ruộng nhưng sức khỏe cũng suy giảm, em Lê Trọng Nguyễn (xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) lựa chọn đi lao động nước ngoài để mong thoát nghèo. Được thầy cô, bạn bè giới thiệu, ngày 31.7, Nguyễn đến Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh Đồng Tháp để đăng ký và nhận được sự giúp đỡ, tư vấn nhiệt tình.
“Từ giữa năm học lớp 12 là em đã trăn trở về việc vào đại học, bởi em được học lực giỏi, vào được giảng đường nhưng cha mẹ sẽ không đủ khả năng lo tiền học phí cho em. Do đó, khi tốt nghiệp THPT, em quyết định đến đăng ký đi làm việc ở Nhật Bản để tích lũy vốn cho gia đình làm ăn”, Nguyễn chia sẻ.
Nói về lý do lựa chọn Nhật Bản để làm việc, Nguyễn cho rằng nước bạn rất phát triển về khoa học công nghệ, trong khi đó thế mạnh của em là Tin học, đây sẽ là môi trường làm việc tốt để học hỏi kinh nghiệm.
“Em dự định đi Nhật từ 3 – 5 năm, gửi một phần tiền cho cha mẹ làm ăn, dành lại cho mình một ít để về nước theo học ngành Công nghệ thông tin tại Trường Đại học Cần Thơ. Thời điểm này, em đã bắt đầu tìm hiểu ngôn ngữ, văn hóa và đất nước Nhật Bản. Em mong rằng em sẽ đậu phỏng vấn, có cơ hội thay đổi cuộc đời mình và gia đình”, Nguyễn chia sẻ.
Học sinh tốt nghiệp THPT nghe tư vấn đi làm việc nước ngoài. Ảnh: Phong Linh
Hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, em Lâm Minh Thư (huyện Lai Vung) cũng đến đăng ký đi làm việc ở Nhật Bản để thoát nghèo. Thư hy vọng sau 5 năm làm việc sẽ tích lũy được 1 tỉ đồng để về quê mở tiệm tạp hóa nhỏ cho cha mẹ buôn bán.
“Gần nhà em có chị đi làm việc ở nước ngoài, tu chí làm ăn và giờ đã khá giả. Em cũng muốn được như chị và em tự nhủ sẽ nỗ lực hơn, thậm chí làm 3 ca để có thể thay đổi cuộc đời của mình”, Thư tâm sự.
Trước đó, nhiều học sinh sau tốt nghiệp THPT tại Đồng Tháp đăng ký đi làm việc nước ngoài để mong thoát nghèo. Ảnh: Trung tâm DVVL tỉnh Đồng Tháp cung cấp
Trong các học sinh mà chúng tôi gặp gỡ, có lẽ ấn tượng nhất là với bạn Nguyễn Thị Cẩm Linh (huyện Lai Vung) bởi chị của Linh cũng đang làm việc ở Nhật Bản.
“Không phải có chị dẫn đường mà là vì chính em muốn học hỏi kinh nghiệm từ đất nước này để cùng chị về nước mở cửa hàng buôn bán, có thể là sản phẩm làm đẹp. Em biết rằng nước bạn có tính kỷ luật làm việc rất cao, là môi trường để em rèn luyện bản thân, đồng thời phát triển cho tương lai sau này”, Linh bộc bạch.
Linh ghi chú thông tin cá nhân trong quá trình đăng ký. Ảnh: Phong Linh
Được biết, mỗi năm, tỉnh Đồng Tháp có hơn 1.000 người lao động thuộc đối tượng tốt nghiệp THPT đến tư vấn, đăng ký đi làm việc nước ngoài tại Trung tâm DVVL tỉnh Đồng Tháp.
Trao đổi nhanh với Lao Động, bà Trần Thị Ngọc Ái – Trưởng phòng Cung ứng lao động, Trung tâm DVVL tỉnh Đồng Tháp, thông tin, khi đến đăng ký, người lao động nói chung và các em học sinh vừa tốt nghiệp THPT được tư vấn tận tình về công việc, mức lương; đồng thời tham khảo ý kiến phụ huynh để đưa ra quyết định đúng đắn.
“Trước đó, trung tâm đã giới thiệu nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài khi vừa tốt nghiệp THPT, có rất nhiều bạn đi về thành công. Đây là các gương điển hình để tuyên truyền và cũng là động lực để trung tâm làm tốt vai trò tham mưu và hỗ trợ người lao động”, bà Ái nói thêm.