Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Bộ đội Hải quân. Ảnh: Mai Thắng
Người khởi xướng “cuộc cách mạng đốt lò”
Việt Nam được coi là một quốc gia sinh tồn từ “bom đạn chiến tranh”. Lịch sử nhân loại chưa một quốc gia nào đánh thắng 2 đế quốc hung hãn và cường mạnh nhất hành tinh như thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, nhưng Việt Nam là một đất nước lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại đánh bại mưu đồ xâm chiếm của họ.
Sau năm 1975, nước ta thoát khỏi chiến tranh, nhưng cũng đối mặt với “mầm mống” tham nhũng. Đặc biệt từ năm 1986, khi nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, xây dựng và phát triển xã hội trên nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, thì nạn tham nhũng có chiều hướng gia tăng và lan rộng. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, nạn tham những đã trở thành quốc nạn. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy giảm đạo đức lối sống, thoái hoá biến chất. Trước tình hình đó, Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 khoá VIII được ban hành, quy định rõ “chế tài”: “Chống tham nhũng phải chống từ cơ quan công quyền, từ người có chức, có quyền”. Nghị quyết ấy như một “luồng sáng mới” “rọi” vào tư tưởng cán bộ, đảng viên. Đồng thời nó là “ngọn roi sắt” “quất” vào danh dự, phẩm giá cán bộ chủ chốt của Đảng; đặc biệt những cán bộ có tư tưởng “leo cao, chui sâu, nịnh bợ cấp trên, coi thường cấp dưới”…
Tuy nhiên, Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 khóa VIII mới chỉ dừng lại ở “triển khai nhưng chưa quyết liệt”. Nói cách khác, nghị quyết đã đi vào cuộc sống nhưng những người đứng đầu tổ chức chưa giành nhiều tâm huyết, chưa có nhiều biện pháp quản chế để trở thành hiện thực. Đó cũng là một trong nguyên nhân cốt lõi, là kẽ hở để nạn tham nhũng, quan liêu hành hoành và trở thành “căn bệnh trầm kha” tồn tại trong lòng xã hội nhiều năm.
Để biến Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 khóa VIII thành hiện thực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã “khởi xướng” sự nghiệp vĩ đại mang tên “đốt lò” với mục đích diệt tham nhũng từ trong trứng nước. Sự nghiệp “đốt lò” bắt đầu từ năm 2013. Khi ấy bác Trọng giữ chức Tổng Bí thư của Đảng, trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực. Chiến dịch “đốt lò” này thực sự là “cuộc cách mạng đánh sâu, quất mạnh, không có vùng cấm” vào các đối tượng tham nhũng, bất kể người đó là ai. Chiến dịch “đốt lò” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự là một nỗ lực của Đảng với mục tiêu cuối cùng là giành lại quyền lực và uy thế vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.
Trong nhiều vụ án mà cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng phải cúi đầu nhận tội và chấp nhận vào “lò” là Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Ông Thanh được coi là “người bê bối” về tham nhũng, làm thất thoát nhiều tỷ đồng của Nhà nước. Vụ đại án nổi cộm có tính chất đặc biệt nghiêm trọng điển hình như vụ án “chuyến bay giải cứu”, vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đều được “đưa ra ánh sáng”. Nhiều vụ đại án tưởng chừng “chìm xuồng” nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của Chính phủ, sự đồng thuận tranh đấu của nhân dân cả nước, các “quan tham” đều cúi đầu nhận tội.
Từ năm 2013 đến khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, hàng trăm đại án đặc biệt nghiêm trọng được xử công khai. Hàng ngàn cán bộ tham nhũng từ trung ương đến các tỉnh, thành đều “sa lưới”. Có những cán bộ giữ trọng trách trong Bộ Chính trị thay vì tận hiến vì dân, hiếu trung vì nước, nhưng vì đồng tiền che lấp phẩm giá đã “nhúng chàm” tham nhũng. Bao năm xây dựng nhân cách bản thân, chỉ một thời gian ngắn, thậm chí một ngày, một phút không cưỡng được cám dỗ của đồng tiền đã rơi vào vòng lao lý. Lưới trời lồng lộng, vòng công lý nghiêm minh, đã buộc các tham quan phải cúi đầu nhận tội, bất kể người đó là ai.
Trong suốt 11 năm kể từ ngày Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng triển khai chiến dịch “đốt lò”, người đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại phương châm và lối sống liêm chính của người cách mạng cộng sản: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”.
Lời huấn thị trên vừa răn dạy cán bộ phải sống có ý nghĩa. Đã là cán bộ của Đảng “ăn cơm Đảng, khoác áo dân, phải phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”. Khi toàn Đảng đồng lòng, toàn dân đồng thuận quyết tâm diệt nạn tham nhũng tiêu cực, thì “quan tham” nào cũng không thể thoát tội. Và để “rộng đường đấu tranh chống việc xấu, kẻ ác”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã triển khai “Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.
Khi công cuộc chống tham nhũng ở cao trào, một số tham quan bị “rút dây động rừng” tìm mọi cách “cao chạy xa bay”; một số người e dè ngại khó, ngại đụng chạm, một lần nữa Tổng Bí thư khẳng định: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không làm “nản chí”, “chùn bước”, sợ sai không dám làm của cán bộ, đảng viên, mà chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm. Tôi đã nhiều lần nói rồi, ai không dám làm thì mạnh dạn đứng sang một bên cho người khác làm…”.
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Tàu ngầm 189 Hải quân tặng Tổng Bí thư chai nước được lấy từ vùng biển sâu, năm 2016, nhân dịp Tổng Bí thư về thăm Vùng 4 Hải quân Ảnh: Mai Thắng
Sống mãi trong trái tim người dân Việt Nam
Vào hồi 13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội). Dẫu vẫn hiểu dù ở cương vị chức vụ nào, dù là ai cũng không thể tránh khỏi qui luật “sinh – lão – bệnh – tử” của tạo hóa. Song sự ra đi của Tổng Bí thư khiến cả dân tộc như ngưng thở, triệu triệu trái tim người dân đất Việt nói chung và những người cộng sản liêm chính nói riêng như bị bóp nghẹt. Từ thành thị đến nông thôn, từ biên thùy đến hải đảo, từ miền núi đến miền xuôi, từ cán bộ lão thành cách mạnh đến bác cựu chiến binh; từ bác nông dân, chị công nhân, anh bộ đội, giáo viên đến thanh, thiếu niên nhi đồng… tất cả một lòng thành kính tiếc thương vị Tổng Bí thư đáng kính.
Nhìn ở góc độ “cơ động xã hội và xã hội phát triển” của các nhà lãnh đạo của Đảng ta trong suốt chiều dài của dân tộc kể từ sau năm 1975 đến nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đầu tiên trong lịch sử thực hiện chiến dịch vĩ đại chống tham nhũng tiêu cực một cách bài bản và đem lại kết quả cao nhất. Sự nghiệp “đốt lò” của Tổng Bí thư như một “luồng thép sáng chói” “quất mạnh, đánh sâu” vào những “tham quam” trong hệ thống chính trị mà trước đó chưa có tiền lệ, chưa một đời Tổng Bí thư nào “công phá” được.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vĩnh biệt dương trần nhưng ông sống mãi trong trái tim triệu triệu người dân Việt Nam. Tim Tổng Bí thư đã ngừng đập, đôi mắt hiền từ đã khép lại, nhưng tư tưởng chống tham nhũng của ông vẫn sâu sắc trong triệu triệu người dân đất Việt. Bởi Tổng Bí thư ra đi nhẹ nhàng như một cuộc “bàn giao lịch sử” cho Bộ Chính trị, cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta “sách lược” chống tham nhũng của ông đang còn dang dở.
Cái để lại đáng quý giá nhất trên đời có bước “đột phá và xoay chuyển xã hội” đó là tư tưởng trọn đời tận hiến vì nước, vì dân. Dẫu Tổng Bí thư không còn nhưng sách lược vĩ đại về chiến dịch “đốt lò” để tiêu diệt tham nhũng chắc chắn sẽ được Đảng ta kế thừa và tiếp tục thực hiện.
Với 80 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, Tổng Bí thư đã dành cả cuộc đời mình vì lý tưởng cao đẹp của Đảng, là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản, là nhà chính trị sắc sảo, trí tuệ, nhà lý luận xuất sắc của Đảng, suốt đời cống hiến cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.
Mai Thắng