Sau ngày làm việc, nhóm 9 nghiên cứu sinh và tiến sĩ triết học rủ nhau đứng bán xúc xích nướng đá trên hè phố từ 10 đến 12h đêm. Địa điểm bán xúc xích luôn ở gần khuôn viên trường Đại học Trung Sơn.
Bên cạnh quầy hàng, nhóm đặt một tấm biển đề dòng chữ: “Xin mời mua xúc xích và hãy cùng chuyện trò về triết học”. Người khởi xướng ý tưởng này là Ziheng (28 tuổi), một nghiên cứu sinh chuyên ngành triết học.
Nhóm tiến sĩ và nghiên cứu sinh đi bán xúc xích trên hè phố gây sốt trên mạng xã hội Trung Quốc (Ảnh: SCMP).
Chia sẻ với truyền thông Trung Quốc, Ziheng cho hay: “Nhóm chúng tôi đều là những người nghiên cứu sâu về triết học. Việc bán xúc xích chỉ là cái cớ để chúng tôi có những cuộc chuyện trò mang tính trí tuệ với khách hàng đến từ những nẻo đường đời khác nhau. Tôi tin rằng đây là trải nghiệm thú vị và có giá trị đối với việc học tập, nghiên cứu của chúng tôi”.
Nhóm tiến sĩ và nghiên cứu sinh cho biết họ đối thoại dung dị và linh hoạt với các khách hàng. Các câu chuyện sẽ luôn xoay quanh những đề tài có tính triết lý về cuộc sống. Khách hàng cũng có thể chủ động đặt ra những câu hỏi, chia sẻ những vấn đề họ đang quan tâm, nhóm sẽ bàn luận với khách từ góc nhìn triết học.
Nhiều khi khách hàng còn chia sẻ cả những vấn đề cá nhân họ đang gặp phải trong công việc và cuộc sống, nhóm cũng tư vấn để vị khách nhìn nhận và có thể giải quyết vấn đề bằng cách tư duy khoa học, rành mạch.
Pangda, một thành viên trong nhóm, đang là nghiên cứu sinh. Hàng ngày, anh giảng dạy, viết báo, nghiên cứu… Việc bán xúc xích trên đường phố lúc cuối ngày cho anh cơ hội có những cuộc chuyện trò vui vẻ, nhẹ nhàng, giảm bớt những căng thẳng trong công việc.
“Cuộc sống của chúng tôi chủ yếu xoay quanh hoạt động giảng dạy, nghiên cứu triết học. Việc bán xúc xích trên đường phố cho phép chúng tôi gặp gỡ những con người bình dị mà trong công việc hàng ngày, chúng tôi ít có cơ hội tiếp xúc. Đây là một cách thú vị để gắn kết với cộng đồng, hiểu thêm về cuộc sống muôn màu và có những trải nghiệm mới mẻ, thú vị”, Pangda nói.
Địa điểm bán xúc xích luôn ở gần khuôn viên trường Đại học Trung Sơn (Ảnh: SCMP).
Pangda cho biết cả nhóm đều cảm thấy thích thú với việc bán xúc xích. Họ sẽ tiếp tục duy trì hoạt động này. Mỗi tối, nhóm kiếm được 100-200 tệ (tương đương từ 350.000 đến 700.000 đồng).
Câu chuyện về nhóm tiến sĩ đi bán xúc xích thu hút nhiều sự quan tâm bình luận của cộng đồng mạng Trung Quốc. Có những người ủng hộ và khen ngợi nỗ lực trải nghiệm của nhóm.
Dù vậy, cũng có những người cho rằng nhóm này đang lãng phí nguồn lực của chính họ. Thay vì bán xúc xích… cho vui, họ có thể làm được nhiều việc có ý nghĩa hơn cho bản thân, gia đình và cộng đồng, tương xứng với trình độ học vấn của họ.