Nỗ lực xóa bỏ tà đạo trên vùng biên Điện Biên

Nỗ lực xóa bỏ tà đạo trên vùng biên Điện Biên

Bài 5: Kiên trì vận động người dân lựa chọn đức tin đúng đắn

Cùng với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, BĐBP Điện Biên đã kiên trì tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân và triển khai các giải pháp phòng ngừa, xóa bỏ tà đạo nhằm giữ gìn sự bình yên trên một dải biên cương. Đồng thời triển khai nhiều mô hình giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, yên tâm lao động, sản xuất, sinh hoạt tôn giáo theo đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước.


Cán bộ Đồn BP Mường Mươn giúp người dân thu hoạch lúa. Ảnh: Bích Nguyên

Tuyên truyền cho người dân nhận rõ bản chất của tà đạo

Theo tìm hiểu của chúng tôi, số đối tượng theo tà đạo thường sinh hoạt lén lút, đứng sau là các đối tượng, phần tử cực đoan ở nước ngoài chỉ đạo. Do đó, không loại trừ khả năng các tổ chức, cá nhân phản động sẽ lợi dụng kích động, tiến hành các hoạt động tuyên truyền, lôi kéo; kích động, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo, thực hiện các hoạt động gây mất ổn định an ninh chính trị địa bàn. Bên cạnh đó, các đối tượng tuyên truyền tà đạo thường chi phối tâm lý tín đồ, vẽ ra ảo tưởng theo Chúa không làm cũng có ăn, hàng ngày chỉ cần ngồi cầu nguyện sẽ được Chúa che trở… khiến cho những người theo tà đạo có tư tưởng mơ hồ, xao nhãng việc làm ăn, gia đình đã khó khăn càng thêm khó khăn. Hơn thế, tin theo tà đạo, các tín đồ từ bỏ hết phong tục tập quán, đánh mất các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc.

Theo Đại tá Lê Đức Nghĩa, Phó Chính ủy BĐBP Điện Biên, hoạt động của tà đạo là trái với các quy định của pháp luật và gây nên những hệ lụy, hậu quả không thể lường trước được. Ngay việc tranh giành, lôi kéo các tín đồ giữa các đối tượng hoạt động tà đạo với các hệ phái tôn giáo chính thống đã gây mất an ninh trật tự địa bàn.

Trước diễn biến phức tạp của hoạt động tà đạo, Bộ Chỉ huy BĐBP Điện Biên đã ban hành Kế hoạch số 1942/KH-BCH ngày 2/8/2021 và Kế hoạch số 3463/KH-BCH ngày 30/12/2022 về tuyên truyền đấu tranh xóa bỏ tà đạo trên địa bàn khu vực biên giới tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025 và năm 2023. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đồn Biên phòng (BP) xây dựng kế hoạch chuyên đề có lộ trình cụ thể, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương tranh thủ đội ngũ già làng, trưởng bản, người uy tín, các chức sắc tích cực trong các tôn giáo để tuyên truyền, vận động, đấu tranh, xóa bỏ triệt để tà đạo.

Theo đó, các đơn vị BP phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, đảng viên phụ trách từng hộ dân, từng địa bàn cụ thể, tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, làm cho nhân dân phân biệt rõ tín ngưỡng, tôn giáo với hành vi lợi dụng tôn giáo đi ngược lại với lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc; phân biệt rõ đúng, sai, phát hiện và đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo; nhận thức rõ âm mưu xuyên suốt của tổ chức tà đạo Bà cô Dợ nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm cho nhân dân mất lòng tin với Đảng, Nhà nước, kích động tư tưởng ly khai, tự trị.

Bên cạnh đó, BĐBP Điện Biên tăng cường nắm tình hình, phối hợp tổ chức phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch; kịp thời ngăn chặn các hoạt động lôi kéo, kích động quần chúng, gây mất ổn định chính trị, xã hội và gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Xây dựng mô hình sinh kế giúp dân ổn định cuộc sống

Có thể thấy, phần lớn người dân nghe và tin theo các loại tà đạo đều có trình độ dân trí hạn chế, điều kiện kinh tế khó khăn. Những người này bị các đối tượng truyền đạo trái phép dụ dỗ bằng vật chất (cho tặng tiền) hoặc dùng giáo lý, thần quyền o bế.


BĐBP Điện Biên tổ chức khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Ảnh: BĐBP Điện Biên cung cấp

Để giải quyết tận gốc vấn đề, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, Bộ Chỉ huy BĐBP Điện Biên đã thực hiện nhiều mô hình, chương trình nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống như: Chương trình “Xuân BP ấm lòng dân bản”, “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng”, “Mẹ đỡ đầu”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; mô hình “Hũ gạo chiến sĩ”, “Thầy giáo quân xanh”, “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”, “Dân vận khéo”…

Năm học 2022-2023, BĐBP Điện Biên đã hỗ trợ 79 em học sinh (trong đó, có 7 học sinh nước bạn Lào) là người dân tộc thiểu số, con liệt sĩ, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở khu vực biên giới, với mức hỗ trợ thường xuyên tối thiểu mỗi em 500.000 đồng/tháng; nhận nuôi 26 học sinh mồ côi tại các đồn BP. Ngoài ra, thực hiện Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”, trong năm 2023, BĐBP Điện Biên đã nhận nuôi tại nhà và hỗ trợ 182 em học sinh. Các đơn vị BP đã mở nhiều lớp xóa mù chữ, dạy chữ cho người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, BĐBP tỉnh đã duy trì và phát huy hiệu quả 3 phòng khám quân dân y tại địa bàn các huyện biên giới thực hiện khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng ngàn người dân.

BĐBP Điện Biên cũng đã thực hiện các mô hình “Dân vận khéo”, xây dựng sinh kế bền vững trao tặng người dân nhằm giúp phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập. Điển hình là: Mô hình cấy lúa nước hai vụ tại bản Huổi Thanh 1 (Đồn BP Nậm Kè), với diện tích khoảng 2ha. Hằng năm, các hộ gia đình thu được khoảng 12 tấn, trị giá thành tiền 96 triệu đồng/năm. Mô hình “Giúp dân phát triển kinh tế từ cây quế trên diện tích đất nhàn rỗi” (Đồn BP Na Cô Sa), đến nay, cây quế sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống trên 80%. Dự kiến, sau 5 năm nữa, cây sẽ bắt đầu cho thu hoạch. Mô hình “Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hình thức bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung” (Đồn BP Leng Su Sìn và Si Pa Phìn), đã có 15 hộ/8 bản đăng ký làm điểm thực hiện mô hình, với tổng số 208 con trâu, bò, diện tích trồng cỏ đạt 7,14ha. Kết quả ban đầu, đàn trâu, bò phát triển tốt, số lượng trâu, bò đã tăng 14 con so với thời điểm bắt đầu triển khai. Sau 6 tháng, trâu, bò được xuất bán, mỗi đợt từ 7 đến 9 con, mỗi con lãi từ 6 đến 8 triệu đồng, đã trừ chi phí. Mô hình “Trồng dứa phát triển kinh tế hộ gia đình” (Đồn BP Mường Nhà) cho thu nhập 15 triệu đồng/hộ.

Cùng với đó, BĐBP Điện Biên cũng phát huy vai trò các đồng chí cán bộ BP tham gia cấp ủy cấp huyện biên giới; cán bộ tăng cường giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã và các cán bộ đảng viên tham gia sinh hoạt tại 83 chi bộ, thôn, bản biên giới, phụ trách các hộ gia đình trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xem xét, giải quyết các nhu cầu chính đáng của các tín đồ, điểm nhóm tôn giáo, tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động bình thường theo đúng quy định của pháp luật và kịp thời phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động lợi dụng tôn giáo để hoạt động trái pháp luật.

Nhờ sự kiên trì và nỗ lực, đến nay, BĐBP Điện Biên đã tuyên truyền, vận động được 29 hộ/171 khẩu và 5 cá nhân từ bỏ tà đạo. Trong đó, 15 hộ/106 khẩu từ bỏ tà đạo Bà cô Dợ; 3 hộ/13 khẩu, 1 cá nhân từ bỏ đạo lạ “Tia chớp phương Đông”; 4 hộ/6 khẩu bỏ theo đạo lạ “Nhân chứng Giê-hô-va”; 7 hộ/46 khẩu từ bỏ đạo lạ “Ân điển cứu rỗi”; 4 trường hợp từ bỏ tà đạo “Pháp luân công”.

Bích Nguyên