Kỳ vọng thay đổi ở Iran

Kỳ vọng thay đổi ở Iran


Tổng thống đắc cử Masoud Pezeshkian trong một sự kiện vận động tranh cử tại Thủ đô Tehran, Iran. Ảnh: Reuters

Tỷ lệ người dân bỏ phiếu tăng mạnh

Sau tai nạn máy bay trực thăng của cố Tổng thống Iran Ebrahim Raisi vào ngày 19/5 vừa qua, quốc gia Hồi giáo này đã thực hiện cuộc bầu cử để tìm ra người lãnh đạo mới của đất nước. Có thể nói, cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 14 của Iran rất khác biệt, khi diễn ra trong bối cảnh đất nước chứng kiến sự mất mát to lớn.

Cuộc bầu cử ghi nhận màn so tài căng thẳng giữa ông Masoud Pezeshkian – ứng cử viên chủ trương cải cách và ông Saeed Jalili – ứng cử viên theo đường lối cứng rắn bảo thủ.

Theo bình luận của giới quan sát chính trị Trung Đông, cuộc bầu cử lần này thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội Iran, thể hiện rõ nét ở tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu tăng vọt từ khoảng 40% lên 49,8%, chỉ xét riêng trong vòng đầu. Có thể thấy, người dân Iran đang giành sự ủng hộ rất mạnh mẽ đối với phe cải cách, nhờ đó, ông Pezeshkian đã giành chiến thắng với tỷ lệ 53,6% số phiếu bầu.

Ông Mehrzad Boroujerdi – nhà phân tích về Iran tại Đại học Khoa học và Công nghệ Missouri (Mỹ) nhận định, kết quả của cuộc bầu cử cho thấy, ông Pezeshkian có khả năng thu hút được sự ủng hộ từ cử tri có quan điểm khác nhau, bao gồm cả những người theo chủ nghĩa cải cách lẫn những người theo chủ nghĩa bảo thủ.

Truyền thông quốc tế nhìn nhận, ông Pezeshkian giành chiến thắng là một bước ngoặt đặc biệt đối với phe cải cách, bởi trong 2 thập kỷ qua, phe này không có đại diện nào thắng cử Tổng thống.

Trong bối cảnh đất nước vật lộn với hàng loạt khó khăn, thách thức về kinh tế và các áp lực từ bên ngoài, vị tổng thống mới của Iran sẽ đối mặt với hàng loạt nhiệm vụ nặng nề. Trước mắt là các vấn đề liên quan đến kinh tế, lạm phát, lệnh trừng phạt của phương Tây và xung đột tại khu vực.

Trong tuyên bố trên phương tiện truyền thông đại chúng, Tổng thống đắc cử Pezeshkian chia sẻ, con đường phía trước có nhiều khó khăn và rất cần sự hợp tác, đồng cảm, tin tưởng của người dân Iran.

Năng lực quản trị đất nước cần “làn gió mới”

Tương tự như mọi quốc gia, cải thiện năng lực quản trị đất nước luôn là nhiệm vụ hàng đầu của một chính phủ mới. Điều này càng có vai trò quan trọng hơn đối với Iran, bởi đất nước đã đối mặt với hàng loạt vấn đề nội tại phức tạp trong nhiều năm qua.

Theo giới chuyên gia, ưu tiên hàng đầu của Iran là vấn đề đối nội. Tân Tổng thống Pezeshkian cam kết sẽ triển khai một loạt nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm vực dậy nền kinh tế, giảm lạm phát xuống một chữ số, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trong nước, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, tạo nhiều việc làm hơn, thúc đẩy sự đoàn kết và gắn kết xã hội, cải thiện các dịch vụ cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội, chống tham nhũng và xây dựng một xã hội cởi mở hơn.

Trong quá khứ, nền kinh tế Iran từng rất hưng thịnh. Song các đòn trừng phạt của Mỹ đã làm nền kinh tế của cường quốc Trung Đông này điêu đứng, lạm phát tăng vọt, đồng nội tệ rial mất giá thảm hại…

Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), quy mô nền kinh tế của Iran trong giai đoạn 2017 – 2023 đã giảm mạnh từ 486,63 tỷ USD xuống còn 367,97 tỷ USD; lạm phát luôn ở mức cao từ 35% đến 49%; tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức 2 chữ số…

Về chính sách đối ngoại, chính phủ mới Iran sẽ cần đưa đất nước thoát khỏi sự cô lập, trong khi chính sách hướng Đông cũng cần xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư với các quốc gia láng giềng, cũng như phải cải thiện quan hệ với Mỹ và phương Tây.

Dư luận quốc tế kỳ vọng rằng, “làn gió mới” trong chính trường Iran sẽ giúp quốc gia này có cách tiếp cận linh hoạt và thực dụng hơn để từng bước khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (JCPOA). Đây là một trong những thỏa thuận căn bản để giúp cải thiện quan hệ giữa Iran với các cường quốc thế giới, từ đó dỡ bỏ dần các lệnh trừng phạt kinh tế, giúp đất nước hội nhập trở lại với nền kinh tế toàn cầu.

Trên thực tế, Iran là quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, đặc biệt là tài nguyên dầu khí. Cùng với đó, Iran có lực lượng lao động lớn với dân số khoảng 87 triệu người. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã trở thành rào cản cô lập quốc gia này với phần còn lại của thế giới, cũng là nguồn cơn tạo nên những khó khăn, thách thức mà đất nước này đang phải vật lộn để chống chịu.

Theo đặc thù cơ cấu chính trị của Iran, nhà lãnh đạo tối cao Ali Khamenei là người nắm giữ quyền lực cao nhất đối với mọi vấn đề của đất nước. Trong khi đó, tổng thống có vai trò nhất định trong việc thiết kế và hoạch định chính sách đối nội và đối ngoại cho từng giai đoạn.

Giới phân tích chính trị chỉ ra rằng, Tổng thống đắc cử Pezeshkian sẽ cần vạch ra một chương trình nghị sự riêng, nhấn mạnh sự thúc đẩy những thay đổi cơ bản về kinh tế và xây dựng mối quan hệ với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, việc đổi mới phải đồng thời bảo đảm các lợi ích chiến lược của Iran. Vì vậy, ông Pezeshkian phải đưa ra những sách lược đối nội, đối ngoại mới dựa trên nguyên tắc cốt lõi và lợi ích quốc gia, phù hợp với chỉ thị cũng như quỹ đạo của nhà lãnh đạo tối cao Khamenei.

Theo nhận định của chuyên gia Sina Toossi thuộc Trung tâm Chính sách quốc tế (Mỹ), cơ cấu quyền lực bao trùm và bối cảnh chính trị của Iran sẽ chi phối mức độ thay đổi của Iran dưới thời Tổng thống đắc cử Pezeshkian. Còn theo nhà phân tích người Iran Saeed Laylaz, để tránh gây tranh cãi trong chính giới, trước mắt, ông Pezeshkian sẽ cần ưu tiên cải thiện các khía cạnh xã hội và kinh tế.

Giới chuyên gia chính trị quốc tế nhận định, kết quả bầu cử vừa qua đưa ông Pezeshkian lên nắm quyền điều hành đất nước sẽ tạo ra những tác động tích cực đến hệ sinh thái chính trị và an ninh không chỉ của quốc gia này, mà còn có tầm ảnh hưởng tới toàn khu vực. Nhiều kỳ vọng trong dư luận Iran cũng như dư luận quốc tế rằng, việc có tổng thống theo đường lối cải cách chắc chắn sẽ giúp tạo ra “làn gió mới” tích cực hơn để giải quyết những vấn đề “nóng” của Iran và toàn khu vực Trung Đông.

Tổng thống Iran đắc cử Masoud Pezeshkian năm nay 69 tuổi, là một nhà cải cách và một bác sĩ phẫu thuật tim. Trong hành trình sự nghiệp, ông từng giữ chức Bộ trưởng Y tế dưới thời Tổng thống theo chủ nghĩa cải cách Mohammad Khatami (giai đoạn 2001-2005). Từ năm 2008 đến nay, ông Pezeshkian là thành viên Quốc hội. Riêng trong giai đoạn 2016-2020, ông Pezeshkian giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội.

Thanh Trúc