Giữa lúc thí sinh đổ xô vào những ngành học được xem là “hot” hoặc mang tính xu hướng như truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng, trí tuệ nhân tạo, thiết kế vi mạch, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, y dược… thì vẫn còn rất nhiều ngành học tại nhiều trường có số lượng hồ sơ thấp.
Không lo cạnh tranh
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho biết tại trường, các ngành công nghệ kỹ thuật môi trường, chế biến thủy sản, công nghệ nhiệt lạnh… thường rất ít thí sinh nộp hồ sơ, mỗi năm chỉ tuyển đủ một lớp dù điểm chuẩn của những ngành này trong mấy năm qua chỉ dao động ở mức 16-17. Vì thế thí sinh nào lựa chọn những ngành này sẽ giảm áp lực cạnh tranh và tăng cơ hội trúng tuyển.
Phụ huynh và thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển vào ĐH
Tại Trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM, thạc sĩ Nguyễn Phước Đại, Trưởng phòng Đào tạo, cho hay hiện nay trường vẫn còn nhiều chỉ tiêu cho các ngành thuộc nhóm du lịch như quản trị khách sạn quản trị dịch vụ du lịch – lữ hành.
“Kết quả khảo sát cho thấy 100% sinh viên tốt nghiệp ngành quản trị khách sạn và 97,8% sinh viên tốt nghiệp ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành có việc làm một năm sau khi tốt nghiệp. Do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh những năm 2020, 2021 nên có lẽ nhiều thí sinh vẫn còn e ngại chọn nhóm ngành này dù nhu cầu nhân lực trong vài năm gần đây tăng rất nhiều”, thạc sĩ Đại thông tin.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm truyền thông của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, một số ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ như công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, quản lý tài nguyên và môi trường… tại trường có tỷ lệ thí sinh đăng ký thấp hơn so với mặt bằng chung.
“Chỉ tiêu của các ngành này từ 80-100 nhưng số lượng nguyện vọng đăng ký không nhiều như những ngành thu hút khác, dẫn đến mức độ cạnh tranh, hay còn gọi là “tỷ lệ chọi” không cao, nên điểm chuẩn những ngành này thường ở mức trung bình, chỉ 16-17 điểm”, thạc sĩ Xuân Dung cho biết.
Trong khi đó, những ngành học mới mang tính liên ngành tại Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, lại đang chưa nhận được nhiều sự quan tâm từ thí sinh. Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh của trường, chia sẻ: “Nhiều thí sinh và phụ huynh có xu hướng chọn các ngành truyền thống vì tin rằng những ngành này ổn định và dễ tìm việc hơn. Điều này dẫn đến việc các ngành mới dù có tiềm năng nhưng lại ít được quan tâm. Đơn cử như nhóm ngành ‘lai công nghệ’ tại trường như công nghệ giáo dục, kinh doanh số hay công nghệ thông tin y tế… đang nhận được khá ít hồ sơ”.
Thí sinh chưa đủ thông tin và còn tâm lý theo ngành “hot”
Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, thí sinh còn có tâm lý chạy theo những ngành “hot” về kinh tế, công nghệ, y dược. Bên cạnh đó, các thông tin về cơ hội việc làm, mức lương và nhu cầu nhân lực của những ngành được xem là “không hấp dẫn” thường không được quảng bá rộng rãi và đầy đủ, khiến thí sinh chưa nhận thức rõ về tầm quan trọng và tiềm năng của chúng nên e ngại đăng ký.
Rất nhiều ngành còn nhiều chỉ tiêu và là những ngành có tiềm năng để thí sinh lựa chọn
Nói về các ngành môi trường, thủy sản, nhiệt lạnh, thạc sĩ Sơn cho rằng trên thực tế, các doanh nghiệp trong các lĩnh vực trên luôn có nhu cầu cao về nhân lực có chuyên môn. “Sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường đang là xu thế toàn cầu, dẫn đến việc cần nhiều chuyên gia về công nghệ môi trường. Chế biến thủy sản là một trong những ngành mũi nhọn của Việt Nam, đóng góp lớn vào nền kinh tế nên cơ hội việc làm và thăng tiến trong ngành này rất lớn. Ngành công nghệ nhiệt lạnh cũng ngày càng phát triển do nhu cầu về bảo quản và vận chuyển hàng hóa, thực phẩm…”, ông Sơn cho hay.
Thạc sĩ Xuân Dung cũng nhận định các ngành công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, quản lý tài nguyên và môi trường… luôn gắn trực tiếp với nhu cầu của con người, là nền tảng căn bản cho sự phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững nên thị trường lao động cần rất nhiều nhân lực.
“Những ngành này chưa nhận được nhiều sự quan tâm có thể xuất phát từ việc thí sinh chưa có đầy đủ thông tin bao gồm tính chất công việc, cơ hội việc làm, thu nhập, đãi ngộ nên các em còn khá mơ hồ, e ngại trong việc chọn ngành. Bên cạnh đó, bạn trẻ có xu hướng lựa chọn các ngành ‘thời thượng’, năng động và hấp dẫn nên cũng tác động đáng kể đến tỷ lệ lựa chọn những ngành kỹ thuật – công nghệ gắn liền với nền khoa học cơ bản nói trên”, thạc sĩ Xuân Dung đánh giá.
Chia sẻ về lý do ngành bất động sản tại trường nhận được khá ít hồ sơ, thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Thông tin truyền thông Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, cho rằng những dư âm của dịch bệnh, sự tác động của thị trường tài chính làm cho nhu cầu đầu tư bất động sản trở nên cẩn trọng hơn khiến thí sinh e dè dù thị trường lao động ở nhóm ngành bất động sản có vẫn đang có sự khởi sắc và nhiều tiềm năng.
Nên nhìn vào tiềm năng phát triển dài hạn
Thay đổi cách chọn ngành, đánh giá đúng tiềm năng của ngành nghề là điều mà thạc sĩ Phạm Thái Sơn khuyên thí sinh. “Các em nên đánh giá dựa trên tiềm năng phát triển nghề nghiệp dài hạn thay vì chỉ nhìn vào xu hướng ngắn hạn. Bên cạnh đó, các em cần chủ động tìm hiểu thông tin về các ngành học, bao gồm cả cơ hội việc làm, mức lương và các yêu cầu về kỹ năng để có cái nhìn toàn diện hơn và đưa ra được quyết định đúng đắn, hợp lý, đảm bảo sự cân đối và phát triển bền vững cho các ngành nghề khác”, thạc sĩ Sơn nhắn nhủ.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư cũng cho rằng phụ huynh và thí sinh cần xem xét chọn ngành trên nhu cầu nhân lực của thị trường lao động và tiềm năng phát triển trong tương lai. “Việc chọn ngành học không nên chỉ dựa vào xu hướng hoặc lời khuyên của người khác, mà cần dựa trên sự đam mê và khả năng thực sự của mỗi thí sinh”, thạc sĩ Tư chia sẻ.