Bà Chu Thị Ngọc Hạnh, Giám đốc Tài chính Công ty cổ phần Navigos Group Việt Nam, chia sẻ trong tọa đàm
54% số trường ĐH tham gia đào tạo
Sáng nay (10.7), Trường ĐH Mở TP.HCM tổ chức tọa đàm chuyển đổi số, sự thay đổi môi trường kinh doanh và giải pháp thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo với yêu cầu thực tiễn trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán.
Tại đọa đàm, Navigos Group Việt Nam và Hội Kế toán TP.HCM công bố các thông tin dựa trên việc thống kê dữ liệu được công khai của 128 trường ĐH và 7 chi nhánh có đào tạo ngành kế toán – kiểm toán trên phạm vi cả nước, kết quả khảo sát 471 doanh nghiệp cùng 833 cá nhân làm việc trong lĩnh vực này tại thời điểm tháng 8 và 9.2023. Báo cáo đã cung cấp một bức tranh tổng thể về nghề kế toán – kiểm toán trong bối cảnh mới trên các phương diện đào tạo, tác động của thay đổi công nghệ, tuyển dụng và việc làm.
Cụ thể, nhóm ngành kế toán – kiểm toán phát triển nhanh chóng và có vị trí quan trọng trong các trường ĐH. Trên cả nước hiện có 128 trường ĐH mở các ngành này (chiếm 54% tổng số trường ĐH tại Việt Nam) và có trên 92.000 sinh viên theo học (chiếm gần 5% tổng số sinh viên ĐH cả nước).
Tuy nhiên, theo báo cáo Navigos Group Việt Nam và Hội Kế toán TP.HCM, đội ngũ giảng viên có vẻ chưa theo kịp quy mô đào tạo. Báo cáo này dẫn theo số liệu của Bộ GD-ĐT cho thấy số lượng sinh viên trên giảng viên của nhóm ngành này hiện ở mức 29,2 – con số này cao hơn 20% so với mặt bằng chung các ngành đào tạo là 24,2. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong nhóm ngành kế toán – kiểm toán ở mức 27,5% , vẫn còn thấp so với mức chung của các trường ĐH hiện ở mức 32,4%.
Có 62 chương trình đào tạo nhóm ngành kế toán – kiểm toán được kiểm định, chiếm 5,4% tổng số chương trình đào tạo được kiểm định của các trường ĐH. Số lượng này còn khiêm tốn so với số lượng cơ sở đào tạo của nhóm ngành.
Toàn cảnh tọa đàm sáng nay
Sinh viên mới ra trường khó khăn khi tìm việc
Một thông tin đáng chú ý trong báo cáo của Navigos Group Việt Nam và Hội Kế toán TP.HCM là sinh viên mới ra trường rất khó khăn trong tìm việc làm. Từ kết quả khảo sát của 471 doanh nghiệp và 833 cá nhân làm việc trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán, báo cáo này chỉ ra có trên 78% doanh nghiệp và hơn 83% người làm công việc này đánh giá mức độ quan trọng và rất quan trọng của sự phát triển công nghệ đến nghề nghiệp. Các xu hướng công nghệ được cho rằng có ảnh hưởng lớn nhất gồm: số hóa chứng từ, hồ sơ, dữ liệu lớn và phân tích, số hóa quy trình làm việc và tự động hóa công việc.
Nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán còn khá hạn chế mặc dù có lạc quan hơn từ các doanh nghiệp có quy mô trung bình và lớn. Tuy nhiên, sinh viên mới ra trường vẫn rất khó khăn trong tìm việc làm. Bởi có tới trên 44% doanh nghiệp được hỏi cho biết chưa có nhu cầu tuyển dụng trong năm tới. Nhu cầu tuyển dụng kế toán- kiểm toán của các doanh nghiệp tập trung vào nhân viên và trưởng nhóm/giám sát. Sinh viên mới ra trường không được quan tâm nhiều, chỉ có trên 7% doanh nghiệp được khảo sát cho biết có nhu cầu này.
Đặc biệt, có trên 54% doanh nghiệp được hỏi cho biết thách thức họ gặp phải là ứng viên không đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Bên cạnh đó, có trên 60% cá nhân và 53% doanh nghiệp cho rằng có khoảng cách đáng kể hoặc rất lớn về kiến thức chuyên môn giữa yêu cầu thực tế và đào tạo trong nhà trường. Khoảng cách này được nhận thấy ở khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng mềm, các kiến thức và kỹ năng bổ trợ…
Chia sẻ trong tọa đàm, tiến sĩ Hà Thị Thủy, Trưởng khoa Tài chính-Kế toán Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, cho rằng muốn thay đổi tư duy của sinh viên, tăng cường kỹ năng của sinh viên thì phải mạnh dạn thay đổi việc đánh giá người học qua các bài thi, bài kiểm tra cuối kỳ. Trong đề thi cần phải có câu hỏi tư duy, làm sao để tăng cường sự sáng tạo của sinh viên.
Tiến sĩ Trần Khánh Lâm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), cũng cho rằng cần có giải pháp để thu hẹp khoảng cách giữa thực tế và chương trình đào tạo của các trường trong lĩnh vực đào tạo này. Trong đó, các trường ĐH cần tiếp tục đầu tư vào đào tạo, nâng cao trình độ của giảng viên, tăng cường đầu tư vào cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập hiện nay.