Chiều 7.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị Công bố quy hoạch giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Hưng Yên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Hưng Yên tạo cơ chế tốt cho các nhà đầu tư
Không để đánh mất các cơ hội đầu tư
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay, việc công bố quy hoạch tỉnh Hưng Yên là bước đột phá đối với nền kinh tế của tỉnh này. Từ vấn đề quy hoạch được đảm bảo, sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp về đầu tư trên địa bàn.
“Phải tạo cơ chế đãi ngộ và thủ tục hành chính nhanh gọn cho doanh nghiệp, nếu chậm chạp sẽ đánh mất đi cơ hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho rằng, vấn đề quy hoạch phải hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
“Trong nhiều năm trở lại đây, tôi rất trăn trở với tình trạng ô nhiễm tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, đây là đại công trình thủy lợi lớn nhất miền Bắc thế kỷ 20, có giá trị to lớn phát triển nền kinh tế nông nghiệp và mang ý nghĩa lịch sử to lớn. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống thủy lợi này đang bị ô nhiễm nặng nề. Chúng ta phải tìm phương án cải tạo hệ thống thủy lợi này để nó trở lại vẻ trong xanh, trên bến, dưới thuyền vốn có. Nếu không làm được điều này là chúng ta có tội với tiền nhân”, Thủ tướng nói.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Hưng Yên thận trọng trong vấn đề quy hoạch, không nên thay đổi quy hoạch quá nhiều. “Tỉnh Hưng Yên nên dành các vị trí đất đẹp để mời gọi các nhà đầu tư, các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ vào đầu tư để tạo công ăn việc làm cho nhân dân, chứ không phải dùng để xây dựng nên các khu đô thị rồi bỏ hoang”, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trao quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
“Xây dựng tốt các điểm đầu tư, kinh doanh thu hút lao động mới mang lại giá trị thặng dư cho nền kinh tế, cho chủ thể từng hộ gia đình, thu hút người dân đến an cư lạc nghiệp, chứ đem đất đẹp để xây đô thị rồi bỏ hoang vì không có người đến mua và sinh sống thì vừa gây lãng phí tài sản, vừa không đem lại giá trị kinh tế cốt lõi. Vấn đề này đang tồn tại ở rất nhiều địa phương, và tỉnh Hưng Yên cần lấy đó làm bài học để rút kinh nghiệm sâu sắc”, Thủ tướng nêu quan điểm.
Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc T.Ư vào năm 2050
Theo ông Trần Quốc Toản, Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên có tổng diện tích tự nhiên 930,22 km2, với 10 đơn vị hành chính bao gồm: TP.Hưng Yên; TX.Mỹ Hào và 8 huyện: Ân Thi, Khoái Châu, Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ, Văn Giang, Văn Lâm và Yên Mỹ.
Hưng Yên tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo; công nghiệp công nghệ cao; phát triển kinh tế đô thị, dịch vụ, du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, logistics hiện đại; phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.
Về mục tiêu phát triển, đến năm 2030, Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại; công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước; phát triển bền vững theo xu hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; xã hội phát triển hài hoà với thiên nhiên; bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021 – 2030 mục tiêu đạt khoảng 9,0%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 278 triệu đồng.
Tầm nhìn đến năm 2050, Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc T.Ư.
Cũng trong hội nghị công bố quy hoạch, UBND tỉnh Hưng Yên đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư 23 dự án với tổng mức đầu tư gần 763 triệu USD.