4 ngành công nghiệp trọng điểm cần 23.961 – 25.210 chỗ làm việc
Ngày 7.7, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (Falmi) cho biết 6 tháng cuối năm 2024, TP.HCM cần từ 153.500 – 161.500 chỗ làm việc. Các vị trí tuyển dụng nhiều ở 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 9 ngành dịch vụ chủ yếu.
Cụ thể, nhu cầu nhân lực TP.HCM tập trung ở khu vực thương mại – dịch vụ cần từ 102.676 – 108.027 chỗ làm việc, chiếm 66,89% tổng nhu cầu nhân lực; khu vực công nghiệp – xây dựng cần từ 50.701 – 53.343 chỗ làm việc, chiếm 33,03% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cần từ 123 – 129 chỗ làm việc, chiếm 0,08%.
Trong đó, nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng điểm cần từ 23.961 – 25.210 chỗ làm việc, chiếm 15,61% tổng nhu cầu. Cụ thể, nhu cầu của ngành cơ khí chiếm 6,79%; sản xuất hàng điện tử chiếm 3,09%; chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống chiếm 3,73%; hóa dược – cao su và plastic chiếm 1,99%.
Nhu cầu nhân lực nhóm ngành dịch vụ chủ yếu: cần từ 92.161 – 96.965 chỗ làm việc, chiếm 60,04% tổng nhu cầu. Trong đó, ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ chiếm 25,38%; vận tải, kho bãi chiếm 2,09%; dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 3,84%; thông tin và truyền thông chiếm 5,18%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm chiếm 5,33%; hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 9,93%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 5,61%; giáo dục – đào tạo chiếm 1,85%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội chiếm 0,83%.
Falmi cũng cho hay, nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo cần từ 134.620 – 141.636 chỗ làm việc, chiếm 87,7% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, trình độ đại học trở lên chiếm 19,54%; cao đẳng chiếm 23,16%; trung cấp chiếm 21,72%; sơ cấp chiếm 23,28%.
Nhu cầu tuyển dụng ở trình độ lao động phổ thông cần 18.881 – 19.856 chỗ làm việc, chiếm tỷ lệ 12,3% tổng nhu cầu nhân lực.
TP.HCM cần tới 160.000 người lao động trong 6 tháng cuối năm
Doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch đào tạo cho lao động
Falmi khuyến cáo doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch đào tạo cho lao động (quản lý, gián tiếp, trực tiếp) gắn với từng ngành, trình độ cụ thể và theo định kỳ phù hợp mục tiêu phát triển của doanh nghiệp cũng như yêu cầu của thị trường lao động.
Doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với các cơ sở giáo dục để đào tạo kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm và quản lý thời gian cho người lao động.
Thông qua việc phát triển các chương trình đào tạo phù hợp, đánh giá thường xuyên, doanh nghiệp có thể đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao và góp phần vào sự phát triển bền vững.
Đối với người lao động, ngoài kiến thức chuyên môn, cần trang bị cho mình những kỹ năng nghề gắn với vị trí làm việc và cần có thái độ làm việc tích cực để đảm bảo hoàn thành tốt các công việc và phát triển trong tương lai.
Falmi cũng đề nghị Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM tiếp tục tổ chức các sàn giao dịch việc làm, ngày hội tuyển dụng. Trong đó, tập trung kết nối lao động thuộc các ngành, nghề mà doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao vào cuối năm 2024 như bán buôn và bán lẻ; hoạt động kinh doanh bất động sản; cơ khí; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; thông tin và truyền thông.