Năm 2024, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu đưa 1.400 người đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài. Ảnh: Nguyễn Trường
Năm 2024, thị trường Hàn Quốc tiếp tục là một trong những thị trường được nhiều người lao động hướng đến. Lao động tại tỉnh Ninh Bình tham gia vào thị trường lao động Hàn Quốc từ năm 2005. Đến nay, đã có hàng nghìn lao động đã và đang làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc, trong đó có nhiều lao động đi xuất khẩu theo chương trình EPS. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Ninh Bình đã đưa trên 1.000 lao động đi xuất khẩu, trong đó có trên 500 lao động tham gia vào thị trường Hàn Quốc.
Ông Lã Thanh Tùng – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Chương trình EPS luôn là một trong những kênh xuất khẩu lao động hiệu quả của tỉnh Ninh Bình. Sở dĩ người lao động quan tâm tới chương trình này bởi chi phí thấp, cơ hội tuyển dụng lớn, thu nhập cao từ 40-60 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, khi tham gia vào chương trình EPS, người lao động được bảo vệ và thụ hưởng các chế độ như lao động Hàn Quốc.
Tuy vậy, để tham gia vào chương trình này, người lao động phải trải qua kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Hàn do phía Hàn Quốc phối hợp với Việt Nam tổ chức. Sau khi đạt yêu cầu 2 vòng thi, người lao động sẽ tiến hành khám sức khỏe và làm hồ sơ dự tuyển để giới thiệu với chủ sử dụng lao động Hàn Quốc. Chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn ký hợp đồng, người lao động mới làm thủ tục đi làm việc tại Hàn Quốc. Những năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tích cực tuyên truyền, phổ biến thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động trong tỉnh tiếp cận được với cơ hội việc làm từ chương trình EPS.
Không chỉ khai thác tốt thị trường truyền thống, ở một số thị trường mới tại châu Âu như: Đức, Bulgaria, Rumani… cũng có nhiều cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam nói chung, lao động tỉnh Ninh Bình nói riêng. Các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao dộng cũng đã nhanh chóng tiếp cận, tìm kiếm cơ hội từ các thị trường này.
“Một số thị trường có nhu cầu tuyển dụng các nhóm ngành nghề mới mà Việt Nam nói chung, tỉnh Ninh Bình nói riêng có khả năng đáp ứng tốt, có nhu cầu đưa đi như: Điều dưỡng, hộ lý và lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động khi lựa chọn phương án đi làm việc ở nước ngoài…” – ông Tùng cho hay.
Theo số liệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình, tại các phiên giao dịch việc làm định kỳ được tổ chức hàng tháng, Trung tâm đã tiếp nhận hàng chục nghìn chỉ tiêu tuyển dụng của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực về xuất khẩu lao động.
Để đưa cơ hội việc làm đến với đông đảo người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm thông qua việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ tại và các phiên lưu động.
Năm 2024, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu đưa 1.400 lao động đi xuất khẩu. Theo kết quả đánh giá 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Ninh Bình đã có 1.024 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 73,14% kế hoạch năm, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2023). Với kết quả này, có thể kỳ vọng vào một sự bứt phá mới của tỉnh Ninh Bình trong công tác xuất khẩu lao động năm 2024.