Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu kết luận buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh. Ảnh: TTXVN
Chiều 5/7, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch nước Tô Lâm đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh về tình hình quốc phòng-an ninh, cải cách tư pháp, đối ngoại gắn với phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh; cũng như những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Tham gia buổi làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; cùng đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương.
Về phía tỉnh Trà Vinh có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Chí Cường và các cán bộ trong ban lãnh đạo tỉnh.
Tăng trưởng đột phá trong 6 tháng đầu năm
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Trà Vinh báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Chí Cường cho biết qua hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục phục hồi và phát triển. Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 10,27%; thu ngân sách được 219 tỷ đồng, đạt 82,12% dự toán (tăng 20,17% so với cùng kỳ); thu nội địa 3.300 tỷ đồng, đạt 53,05%.
Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện; tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển sản xuất hàng hóa thích ứng với biến đổi khí hậu được chú trọng; thực hiện cải cách hành chính, cải thiện các chỉ số phản ánh năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ngày càng tốt hơn; các chương trình mục tiêu quốc gia đạt kết quả khá tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo liên tục được kéo giảm và đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,19%, hộ cận nghèo còn 2,35%.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục-đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế, thể thao tiếp tục đạt nhiều kết quả tiến bộ; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm. Chính sách đối với người có công, người có hoàn cảnh khó khăn, chính sách dân tộc, tôn giáo được triển khai thực hiện khá tốt.
Cùng với đó, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội ngày càng được nâng lên; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác cải cách tư pháp được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ cơ quan tư pháp được xây dựng theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Ngô Chí Cường trình bày báo cáo. Ảnh: TTXVN
Bí thư Tỉnh ủy Ngô Chí Cường nhấn mạnh là một địa bàn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh chính trị, tỉnh Trà Vinh luôn chú trọng thực hiện công tác an sinh xã hội và giải quyết các mâu thuẫn từ cơ sở, không để xảy ra điểm nóng. Công tác phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được thực hiện quyết liệt kể cả trên đất liền và trên biển; tình hình trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ổn định; an ninh chính trị luôn được kiểm soát.
Về công tác đối ngoại, từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận viện trợ của 11 tổ chức phi chính phủ nước ngoài; thực hiện 23 chương trình, dự án, trong đó tổng nguồn vốn cam kết tài trợ là 38,36 tỷ đồng (tăng 192,7% so với cùng kỳ năm 2023) với giá trị giải ngân 13,8 tỷ đồng.
Tính đến nay, người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đăng ký đầu tư 222 tỷ đồng và 18,64 triệu USD. Trà Vinh không có đường biên giới chung với Campuchia nhưng với tính chất tương đồng về dân tộc, tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ nên người Khmer Trà Vinh qua lại biên giới Campuchia trở thành phổ biến và việc này có mặt tích cực, giúp tăng cường công tác đối ngoại nhân dân, củng cố mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Ông Ngô Chí Cường khẳng định từ một vùng đất nghèo khó, tồn tại nhiều yếu tố chính trị phức tạp, thực tiễn đòi hỏi phải an dân, giữ vững ổn định chính trị để phát triển. Do đó, qua nhiều nhiệm kỳ, tỉnh đã tập trung lãnh, chỉ đạo quyết liệt, đến nay, Trà Vinh có 100% số xã, huyện, thị, thành phố đạt nông thôn mới, hoàn thành 8/8 tiêu chí tỉnh nông thôn mới. Tỉnh đang tập trung hoàn chỉnh các thủ tục, hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận tỉnh đạt nông thôn mới trong năm 2024.
Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Chí Cường nêu rõ Tỉnh ủy sẽ tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa và tập trung chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, cũng như các nghị quyết, kết luận, quy định của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ trong buổi làm việc với tỉnh Trà Vinh; đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường đoàn kết, kỷ cương trong Đảng, hệ thống chính trị và ngoài xã hội.
Cùng với đó, tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo thực hiện quyết liệt 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá, thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao; tăng số lượng mặt hàng xuất khẩu của tỉnh; chủ động, linh hoạt trong thu hút đầu tư, tập trung lĩnh vực khai thác năng lượng tái tạo, nuôi trồng, chế biến thủy sản, nông sản; phát triển du lịch, phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai dự án, sản xuất kinh doanh đúng kế hoạch, cùng một số nhiệm vụ quan trọng khác.
Tỉnh Trà Vinh cũng đã đề xuất, kiến nghị với Chủ tịch nước và các bộ, ngành ở Trung ương hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc liên quan đến vốn đầu tư sửa chữa một số hạ tầng giao thông; bổ sung quy hoạch cảng biển ngoài khơi kênh đào Trà Vinh để tiếp nhận được tàu có trọng tải 50.000 tấn trở lên phục vụ trực tiếp Khu kinh tế Định An; hỗ trợ một phần vốn xây dựng hồ chứa nước ngọt trên sông Láng Thé Trà Vinh; vấn đề biến đổi khí hậu, chống xâm nhập mặn; cũng như một số vấn đề liên quan tới phát triển năng lượng tái tạo.
Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã phân tích, làm rõ những tiềm năng, thế mạnh, kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế làm cản trở sự phát triển của tỉnh. Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cũng gợi mở một số giải pháp tháo gỡ các vướng mắc trong các vấn đề như hạ tầng giao thông, năng lượng tái tạo, chống xâm nhập mặn, qua đó tạo động lực giúp tỉnh Trà Vinh có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Tạo điều kiện cho Trà Vinh tiếp tục vươn lên
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chuyển lời thăm hỏi ân cần, sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Trà Vinh.
Điểm lại những kết quả tích cực mà Trà Vinh đã đạt được trong thời gian qua, Chủ tịch nước nhấn mạnh điều này càng ý nghĩa trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn trong khi Trà Vinh cũng như nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp nhiều khó khăn trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, tình trạng xâm nhập mặn.
Kết quả tích cực trên không chỉ tạo dựng cho Trà Vinh diện mạo mới, tầm vóc và tương lai phát triển mạnh mẽ, mà còn củng cố được lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, cũng như sự ổn định và phát triển đất nước trong thời gian tới. Trà Vinh cũng được coi là một trong những điểm sáng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước về phát triển kinh tế-xã hội.
Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì buổi làm việc. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước biểu dương và đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Trà Vinh đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, đạt được kết quả tích cực, toàn diện về kinh tế-xã hội.
Chủ tịch nước nhấn mạnh với xuất phát điểm thấp từ một tỉnh thuần nông nghèo khi tái lập tỉnh cách đây hơn 30 năm nhưng với quyết tâm đổi mới, khát vọng vươn lên mạnh mẽ và phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng, Trà Vinh đã phát triển rất tốt và hiện là một trong những tỉnh tốp đầu của Đồng bằng sông Cửu Long.
Mặt khác, Chủ tịch nước cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức mà Trà Vinh đang phải đối mặt, trong đó có vấn đề kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng động lực tăng trưởng chưa bền vững, sức lan tỏa của công nghiệp chưa cao, đặc biệt là vấn đề chuyển đổi số; doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; công tác giáo dục đào tạo còn nhiều khó khăn, y tế còn thiếu thốn, mạng lưới an sinh xã hội chưa được bao phủ, đời sống của một bộ phận người dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào Khmer vẫn còn thấp.
Chia sẻ với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch nước mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ, nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tỉnh Trà Vinh phát triển hơn nữa trong giai đoạn tới.
Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Trà Vinh cần tập trung vào các dự án hạ tầng quan trọng để tạo chuyển biến mạnh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đồng thời cần coi trọng công tác giải quyết những thách thức do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, giảm nghèo, nhất là trong đồng bào Khmer; tiếp tục đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn vì tỷ trọng này còn rất cao trong cơ cấu kinh tế của Trà Vinh, đồng thời chú ý đến hình thái kinh tế nông nghiệp phù hợp để nâng cao hiệu quả về kinh tế, bền vững về xã hội và môi trường; nhân rộng các mô hình hiệu quả, nhất là mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, kinh tế hộ, hình thức liên kết ứng dụng công nghệ, quy mô sản xuất tập trung nhãn hiệu nông nghiệp an toàn với môi trường sinh thái.
Chỉ rõ Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo và được xác định là tỉnh trọng điểm về an ninh quốc phòng, Chủ tịch nước yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chương trình đào tạo lao động, việc làm; hệ thống chính trị cơ sở, các cấp chính quyền, nhân dân không để các thế lực thù địch kích động, thực hiện âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các tệ nạn xã hội, các loại tội phạm; củng cố an ninh quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo lập môi trường sống và làm việc an ninh, an toàn cho người dân.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Trà Vinh tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ; nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, tiếp tục phát huy tính năng động, sáng tạo của địa phương.
Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì buổi làm việc. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng Đảng bộ, nhân dân tỉnh Trà Vinh tiếp tục đoàn kết, nhất trí chung sức, đồng lòng, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới hội nhập, phát triển toàn diện các lĩnh vực để thực hiện thắng lợi và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra; tiếp tục xây dựng Trà Vinh ngày càng giàu đẹp, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tặng tỉnh Trà Vinh 1.400 chiếc radio để phát cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương với mong muốn bà con, nhất là những vùng nghèo chưa có điều kiện xem được tivi, nghe được các chương trình phát thanh bằng tiếng dân tộc.
Cùng ngày, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương đã đến dâng hương, dâng hoa tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng và Khu tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại tỉnh Vĩnh Long.
Ngoài ra, Chủ tịch nước cũng tới thăm gia đình Trung tướng Sơn Cang, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; thăm, tặng quà một số gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Theo TTXVN