Tấm lòng thơm thảo của mế Dâng

Tấm lòng thơm thảo của mế Dâng

Biên phòng – Luôn nghĩ và dành những điều tốt đẹp nhất cho người khác, tấm lòng của bà Riah Thị Dâng (thôn Ch’noc, xã Ch’ơm, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) như bát nước mát trong ngày hè đổ lửa và chiếc khăn trao đi giữa ngày đông lạnh giá. Ở nơi cuối trời biên cương, người phụ nữ Cơ Tu ấy đã dùng hành động, việc làm của mình “viết” nên câu chuyện mà bất cứ ai nghe đều cảm thấy ấm áp lạ thường, dù những điều tốt đẹp ấy không dành cho mình.


Bà Riah Thị Dâng mong muốn con cháu cũng học tập mình, luôn vì công việc chung của cộng đồng. Ảnh: Trúc Hà

Gương sáng ở Ch’noc

Trong căn nhà gỗ rộng chưa đến 50m2 của bà Riah Thị Dâng, tài sản gần như không có gì giá trị. Thứ đáng giá đó là những Bằng khen, Giấy khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang và các cấp, các ngành khác nhau. Chúng tôi khá bất ngờ khi biết rằng bà Riah Thị Dâng đã được trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Những câu chuyện về tháng năm tuổi trẻ vượt qua mưa bom, bão đạn gùi hàng cho bộ đội vào Nam đánh giặc, sự năng động, tích cực kiến thiết đất nước sau ngày giải phóng đã khắc họa rõ nét chân dung về người phụ nữ Cơ Tu ở nơi cuối trời biên cương này.

Bà Riah Thị Dâng kể rằng, những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hưởng ứng lời kêu gọi của cách mạng, bà con Cơ Tu thôn Ch’noc và các bản làng lân cận, ai cũng hăng hái đi dân công vận chuyển cho bộ đội. Khi ấy, Riah Thị Dâng còn rất trẻ, tính tình xông xáo, nhiệt tình, nhanh nhẹn, tháo vát. Vậy nên, ngay từ đợt đầu, cô gái Riah Thị Dâng dù trẻ tuổi, nhưng vẫn được cử làm người phụ trách tổ dân công thôn Ch’noc. Năm 1970, cô gái Riah Thị Dâng vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau giải phóng, đảng viên Riah Thị Dâng luôn tích cực với công việc của địa phương. Những tháng ngày đi làm dân công vận chuyển, người phụ nữ Cơ Tu này biết rằng, bầu trời không chỉ đến đỉnh núi cao nhất; là người Kinh hay người Cơ Tu thì cũng phải chăm chỉ làm ăn, làm chủ cuộc sống. Với tư tưởng tiến bộ ấy, nhiều năm liền, Riah Thị Dâng được cử làm cán bộ phụ nữ xã Ch’ơm.

Cho đến tận sau này, khi đã nghỉ việc, nhưng tinh thần đảng viên vẫn luôn được bà Riah Thị Dâng phát huy. Bà là tấm gương điển hình về tự lực, tự chủ về phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ sớm đến tối, bà Riah Thị Dâng luôn có mặt trên rẫy, trên ruộng, ngoài vườn để trồng bắp, trồng sắn, trồng lúa, trồng rau, trồng cây ăn quả. Bà nuôi thêm con lợn, con gà, con vịt để cải thiện chất lượng cuộc sống. Cây, con giống mới cũng được bà Riah Thị Dâng tiếp nhận mà không như một số người e dè, lo lắng sẽ không hiệu quả bằng giống cũ. Cho đến khi thấy được năng suất, hiệu quả của cây, con mà bà Riah Thị Dâng có được, mọi người mới tin tưởng, vui vẻ làm theo.

Đầu những năm 2000, thôn Ch’noc được quy hoạch lại mặt bằng cho người dân sống tập trung để thuận tiện cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là về điện, đường, trường, trạm. Bên cạnh đó, để bà con dễ dàng đi lại, chính quyền xã chủ động cũng mở đường liên thôn. Tuy nhiên, đất đai đều đã có chủ, nếu mở đường sẽ phải đền bù cho người dân, trong khi kinh phí không có. Bà Riah Thị Dâng là người đầu tiên hiến đất để làm đường liên thôn từ Ch’noc sang A Tu 1. Thấy bà Dâng không tiếc ruộng nương để làm đường, mọi người cũng đồng lòng hiến đất. Không chỉ vì đã nhận thức được lợi ích của con đường mang lại mà vì không một người Cơ Tu nào ở Ch’noc muốn mình sống ngoài cộng đồng.

Mế của người lính Biên phòng

Cũng như nhiều người vùng cao khác, bà Riah Thị Dâng không biết năm sinh thật của mình. Cho đến giờ, giấy tờ của bà cũng không thống nhất. Trong sổ hộ khẩu, bà Riah Thị Dâng sinh năm 1957, còn thẻ đảng viên ghi sinh năm 1941. Thế nhưng, với những người lính Biên phòng từng công tác tại A Xan, Ga Ry thì điều ấy không quan trọng, tất cả đều gọi “mế Dâng” không chỉ vì tuổi tác cách biệt, mà vì ai cũng muốn trở thành ruột thịt khi nhận được sự quan tâm ấm áp của mế. Nhìn lại những việc mế Dâng làm, mọi người chợt nhận ra rằng, có lẽ, cả cuộc đời này, mế Dâng chưa từng bán một thứ gì do mình nuôi, trồng, cấy, hái được. Tất cả những thứ ấy, một phần ít mế dùng để phục vụ sinh hoạt, cho con cháu trong nhà và nhiều nhất là cho cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Xan, Ga Ry hay bất cứ người lính Biên phòng nào từng đặt chân đến nhà mế.


Thiếu tá Trần Ting Hiệp giúp mế Dâng cất lúa vào bao sau vụ thu hoạch. Ảnh: Trúc Hà

Thiếu tá Trần Ting Hiệp, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ga Ry cho biết, những lần đi địa bàn, nhà mế Dâng luôn là địa chỉ mà những người lính ghé thăm. Căn nhà gỗ không to, nhưng mế bảo: “Nhà nhỏ nhưng tấm lòng rộng” và nhất là lúc nào mế cũng tươi cười, niềm nở, chu đáo nên nhà mế trở thành Tổ công tác địa bàn của Đồn Biên phòng Ga Ry lúc nào không hay. Biết bộ đội vất vả, mế lên nương trồng thêm rau, thêm bắp để bộ đội đến có cái để nấu ăn. Có một câu chuyện mà mỗi lần nhớ lại, ai cũng rưng rưng. Khi chưa xây xong Trạm Kiểm soát Biên phòng Tây Giang, bộ đội vẫn ở nhà mế Dâng. Vì không muốn ăn vào gạo của mế, bộ đội nấu cơm riêng. Có lần, chiến sĩ nuôi quân phát hiện cơm tẻ mà dẻo như gạo nếp. Hóa ra, thấy bộ đội không chịu lấy gạo của gia đình để nấu, mế Dâng lấy gạo nhà đổ vào bao gạo của bộ đội. Thế nên mới có chuyện gạo tẻ nấu lên thành cơm nếp.

Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Tây Giang – Đại úy Lương Văn Hòa kể lại kỷ niệm của mình. Trận mưa lũ cuối năm 2020 khiến con đường dẫn vào trạm bị sạt lở, xe không thể vào được. Cán bộ, chiến sĩ ở trạm chỉ còn cách là vượt núi đi ra Ch’noc để lấy lương thực, thực phẩm. Hôm ấy, trời vẫn mưa, Đại úy Lương Văn Hòa đang chuẩn bị đi lấy thực phẩm thì thấy chồng của mế Dâng đi vào. Mở chiếc gùi chồng mế Dâng mang theo thấy nào bắp, bí, rau và cả thịt. Hóa ra, sợ bộ đội không có đồ ăn, nhưng vì tuổi đã cao không đi được, mế Dâng nói chồng gùi đồ vào trạm cho bộ đội.

Chiều hôm ấy, chào mế Dâng, chúng tôi về lại thành phố, khi ra tới cửa thì thấy chiếc túi gói sẵn mấy trái dứa, mấy quả chuối và một chai mật ong. Nói thế nào mế cũng bắt chúng tôi mang về bằng được, thậm chí còn áy náy: “4 năm nay, mế không nuôi gà vì sau đợt dịch chết nhiều quá. Nếu không, hôm nay, mế nhất định sẽ bắt cho con một con mang về. Có dịp thì quay lại thăm mế nhé”. Hành động của mế khiến những người lính như chúng tôi nhớ quê nhà. Nơi ấy, mỗi lần về, mẹ lại gói ghém đồ ăn, thức uống cho con mang lên đơn vị. Chao ơi, gặp mế một lần mà đã thành người thân.

Trúc Hà